PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc:

Mức kỷ luật ông Đinh La Thăng 'thấu lý đạt tình, phải trái phân minh'

TPO - PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đánh giá, mức kỷ luật với ông Đinh La Thăng là “thấu lý đạt tình, phải trái phân minh”, đúng với sai phạm, nhưng đồng thời cũng tính đến những cống hiến của ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII

Tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII.

Nhìn nhận đánh giá về việc này, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, đây là việc bình thường của một Đảng cầm quyền, giữ nghiêm kỷ luật để tăng sức mạnh của Đảng. Trong thời kỷ đổi mới, vào nhiệm kỳ khóa VI và VII cũng đã có hai ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật: Năm 1990, ông Trần Xuân Bách bị cách chức Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên Trung ương, rồi ông Nguyễn Hà Phan cũng bị xử lý kỷ luật vào năm 1995.

“Bác Hồ nói phải giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới, từ cấp cao nhất đến đảng viên bình thường cấp cơ sở. Bác cũng nói phải thường xuyên đưa vào Đảng những người ưu tú, trung kiên, hăng hái, đồng thời phải tẩy trừ ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa biến chất, không còn xứng đáng là Đảng viên”, ông Phúc cho hay.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đánh giá, mức kỷ luật với ông Đinh La Thăng là: “Thấu lý, đạt tình, phải trái phân minh, đúng với sai phạm của ông ấy trước đây, nhưng đồng thời cũng tính đến những cống hiến của khi còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT và khi làm Bí thư TP HCM”.

Ông Phúc nhấn mạnh rằng, kỷ luật cốt để xây dựng cho Đảng mạnh lên và trong sạch hơn, chứ không phải kỷ luật là để vùi dập đồng chí của mình. "Bác Hồ cũng đã từng nói, kỷ luật không phải là đập cho tơi bời, không phải đối với nhau như thuồng luồng, hổ mang".

Bên cạnh đó, kỷ luật ở đây cũng còn mang tính giáo dục, để người sai phạm tiếp tục sửa chữa, tiến bộ, để người khác soi vào mà sợ không dám vi phạm.  Đồng thời, kỷ luật cũng cần phải nghiêm minh, đúng người đúng tội, đúng việc.

Và cái mới hiện nay, theo ông Phúc là đã công khai hóa hết cho toàn đảng, toàn dân biết. Điều này hoàn toàn phù hợp, bởi việc của đảng cũng là việc của dân. Cán bộ tốt thì dân được nhờ, cán bộ kém, hư hỏng thì gân phải gánh chịu.

Dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư là “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, theo ông Phúc, điều này cũng chính là để phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái của những cán bộ đảng viên khác.

Ngoài ra, ông Phúc cũng nhấn mạnh, kỷ luật nhưng cần chú ý đến tính xây dựng, thông qua kỷ luật mà xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cho tốt hơn, đoàn kết hơn, chứ không phải gây mất đoàn kết, thậm chí thù oán nhau.

Trở lại vấn đề kỷ luật vừa qua, theo ông Phúc, khi ông Đinh La Thăng không còn là ủy viên Bộ Chính trị thì sẽ không còn làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Bởi Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy TP HCM phải là cấp ủy viên Bộ Chính trị.

“Nếu ông Đinh La Thăng không ở Bộ Chính trị nữa thì tới đây Bộ Chính trị và Trung ương sẽ điều động một đồng chí khác trong Bộ Chính trị về làm bí thư Thành ủy TP HCM thay ông Đinh La Thăng”, ông Phúc chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết, trong lịch sử đã từng có trường hợp Bí thư Thành ủy TP HCM không phải Uỷ viên Bộ Chính trị.

Cụ thể, sau Đại hội V của Đảng năm 1982, lúc đó ông Nguyễn Văn Linh chỉ là ủy viên Trung ương, nhưng Bộ Chính trị thấy rất cần ông có mặt ở TP HCM, nên năm 1983 lại điều động về lại TP HCM làm Bí thư. Thời điểm đó ông Nguyễn Văn Linh làm việc rất tích cực, hiệu quả.

Đến năm 1985, ông Nguyễn Văn Linh lại được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và vẫn làm Bí thư Thành ủy TP HCM, trước khi được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12 năm 1986.

“Ông Đinh La Thăng vẫn còn là Uỷ viên Trung ương nên chắc chắn Bộ Chính trị sẽ có phân công công việc cho phù hợp, để ông Thăng tiếp tục đóng góp cho công việc chung của Đảng, của đất nước. Theo tôi chúng ta cũng không nên quá lao tâm khổ tứ vào chuyện đó. Bộ Chính trị và Trung ương sẽ lo thấu đáo việc đó”.

Ông Phúc lý giải thêm, Bộ Chính trị có quyền quyết định điều động người thay thế và sẽ trình ra Trung ương vào kỳ họp gần nhất. Cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền quyết định không công nhận tư cách đại biểu với ông Võ Kim Cự, rồi kỳ họp tới sẽ trình ra Quốc hội thông qua.