'Múa' thư pháp ở Văn Miếu

TP - Triển lãm và liên hoan thư pháp Thăng Long-Hà Nội khai mạc tối 4-10, không chỉ là nơi trưng bày tác phẩm, hấp dẫn hơn là màn trình diễn câu đối, đề chữ.
Trình diễn thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Sử dụng toàn bộ sân và không gian bên trong Nhà Thái học, triển lãm thư pháp mở màn bằng lễ rước ông đồ từ cổng chính Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Phần thu hút nhất chính là màn biểu diễn câu đối của thư pháp gia tại Câu lạc bộ (CLB) UNESCO Thư pháp học.

Trước khi ra vế đối, nghệ nhân thư pháp Trần Quốc Chí, phó chủ nhiệm CLB UNESCO Thư pháp học giải thích một số luật khi đối “Hồ tâm dạ phát linh kim khí/Miếu mạo xuân hàm dị mộc hương” trình diễn trong lễ khai mạc chính là câu đối treo ở Đền Ngọc Sơn. Các thư pháp gia trình diễn một số tích liên quan đến chữ viết: đề sáu chữ Phá cường địch báo Hoàng ân gắn với Trần Quốc Toản, biểu diễn ba chữ Tả thanh thiên (Viết lên trời xanh) của Nguyễn Siêu.

Ở triển lãm, liên hoan thư pháp lần này, độc đáo nhất có lẽ màn trình diễn thư pháp bằng ngón tay của họa sỹ Võ Trịnh Biện ở Quảng Ngãi, được mệnh danh “Thủ ấn họa” - dùng ngón tay để vẽ. Tác giả còn là chủ nhân cuốn thư pháp Bình Ngô đại cáo dày 1.600 trang, nặng gần 200kg hiện trưng bày tại Văn Miếu. Họa sỹ vẽ lại toàn bộ nội dung bài cáo bằng chữ Hán, theo lối dùng ngón tay, mỗi câu ở một trang bố trí kiểu không gian ba chiều.

Ngay sau phần cắt băng khai mạc triển lãm, các bàn kê ở sân Thái học có sức hút kỳ lạ. Người ta quây tròn mỗi bàn để… xin chữ. Vòng trong, vòng ngoài thay nhau chen vào tận nơi lấy dấu, xếp hàng chờ cho chữ.

Kéo dài đến 14-10, triển lãm giới thiệu 250 tác phẩm theo ba chủ đề: Văn hiến Thăng Long-Hà Nội, Giáo dục khoa cử và Cảnh đẹp Thăng Long-Hà Nội. Tác phẩm thể hiện trên nhiều chất liệu: giấy, gỗ, đồng, đồ gốm, hoa.

Chùm ảnh múa thưa pháp ở Văn Miếu:
(Ảnh: Thành Long)