Mua nhà, đất, ôtô: Trả tiền mặt không được sang tên

Trong thời gian tới, người dân mua bán ôtô, nhà đất đến mức quy định mà vẫn thanh toán bằng tiền mặt thì không được sang tên, đổi chủ.

Mua nhà, đất, ôtô: Trả tiền mặt không được sang tên

> Chặn được rửa tiền, trốn thuế?

> Tiền mặt đang chạy đi đâu?

> Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe

Trong thời gian tới, người dân mua bán ôtô, nhà đất đến mức quy định mà vẫn thanh toán bằng tiền mặt thì không được sang tên, đổi chủ.

Tới đây, mua ôtô thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được làm thủ tục sang tên. Ảnh: T.ĐẠM
 

Đây là một trong những nội dung của dự thảo nghị định về thanh toán dùng tiền mặt thay thế nghị định 161 (năm 2006) đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến lần 2. Theo kế hoạch, NHNN sẽ trình để Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi trong quý 2, chậm nhất là tháng 6 Chính phủ sẽ ban hành nghị định sửa đổi.

Hạn mức được sử dụng tiền mặt: còn phải chờ

"Nếu những quy định trên được áp dụng, trường hợp mua ôtô, đất vượt hạn mức quy định mà thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu"

Ông Bùi Quang Tiên
(vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước)

Theo dự thảo, người dân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với giao dịch giá trị lớn. Cụ thể, người dân không được thanh toán bằng tiền mặt khi mua bán, chuyển nhượng chứng khoán, ôtô. Còn việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản, xe máy (kể cả xe máy điện), giao dịch góp vốn bằng tiền, mua bán, chuyển nhượng chứng khoán không qua sở giao dịch chứng khoán... vượt hạn mức cũng không được thanh toán bằng tiền mặt. Riêng đối với các tổ chức, không được thanh toán bằng tiền mặt khi mua bán, chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản, các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng như tàu bay, tàu thủy, kể cả sà lan, canô, ôtô...

Ông Bùi Quang Tiên, vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, giải thích: “Nếu những quy định trên được áp dụng, trường hợp mua ôtô, đất vượt hạn mức quy định mà thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu”. Vụ Thanh toán cho rằng phương thức thanh toán bằng chuyển khoản, séc hay ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu qua NH sẽ rất tiện cho người dân khi có nhu cầu mua, bán tài sản có giá trị lớn như ôtô, nhà, đất... Người dân sẽ không phải cầm số tiền lớn để thanh toán. Điều quan trọng nữa là hạn chế được rủi ro như bị cướp giật, tranh chấp khi thanh toán không dùng tiền mặt.

Riêng về hạn mức bao nhiêu được thanh toán bằng tiền, Vụ Thanh toán cho biết vấn đề này còn đang bàn thảo và cần phải nghiên cứu thấu đáo trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi. Hiện dự thảo mới đến lần hai nên phải bàn dài dài. Thực tế, một số chính sách có tác động nhiều đến người dân như thu phí ATM đã phải dự thảo đến lần thứ 17 trước khi lấy ý kiến góp ý của người dân và các tổ chức một cách rộng rãi.

Hạn chế giao dịch ngầm”

Cân nhắc những giao dịch cũ,chưa sang tên đổi chủ

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng toàn bộ dự thảo nghị định này đã thiếu phần nội dung quan trọng nhất là hạn mức thanh toán bằng tiền mặt. Theo ông Đức, phần lớn người dân VN có thói quen thanh toán bằng tiền mặt, ngay cả với giao dịch hàng chục tỉ đồng, nay nếu yêu cầu chỉ được giao dịch vài chục triệu đồng bằng tiền mặt thì sẽ khó khả thi. Ông Đức khuyến cáo cần cân nhắc xử lý đối với các trường hợp đã mua bán và thanh toán xong từ nhiều năm, nhưng sau khi có quy định về loại hình và hạn mức giao dịch bằng tiền mặt mới làm thủ tục sang tên, đổi chủ để tránh dẫn đến bế tắc.

Theo Vụ Thanh toán, hoạt động thanh toán bằng tiền mặt gắn với nhiều hoạt động kinh tế “ngầm”, hệ lụy là tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế và các hoạt động phi pháp khác. Nghị định 161 đã góp phần minh bạch hóa và lành mạnh hóa các giao dịch liên quan vốn nhà nước trong nền kinh tế cũng như hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, hạn chế việc mua bán hóa đơn khống với số tiền lớn (quy định trên 30 triệu đồng phải thanh toán qua NH).

Tuy nhiên, phạm vi và đối tượng điều chỉnh chỉ tập trung vào các cơ quan sử dụng ngân sách và các tổ chức sử dụng vốn nhà nước chứ chưa phủ sóng rộng ra các lĩnh vực khác. Trong khi đó chi ngân sách chiếm tỉ trọng ngày càng nhỏ trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế. Điều này gián tiếp đã duy trì một thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán của các đối tượng và các lĩnh vực không sử dụng ngân sách. Thói quen này đang gây khó khăn trong việc giảm gánh nặng trong các máy ATM, phòng chống tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả.

Cho đến trước tháng 4-2012, các NH chủ yếu giải ngân bằng tiền mặt. Tại một số NH lớn như Vietcombank, BIDV... giải ngân bằng tiền mặt chiếm tới 70,2% tổng giá trị giao dịch. Tại Agribank, MHB..., do đối tượng vay thường là các hộ nông dân ở nông thôn với mục đích cho vay để sản xuất nông nghiệp, sửa chữa nhỏ, tiêu dùng nên tỉ trọng giải ngân bằng tiền mặt chiếm 50-85%.

Cũng theo NHNN, các giao dịch bất động sản, tài sản có giá trị lớn, chuyển nhượng vốn, cổ phiếu, mua bán hàng hóa của tổ chức, cá nhân thường được thanh toán bằng tiền mặt nhằm mục đích trốn thuế, không muốn minh bạch về giá trị tài sản. Việc sử dụng tiền mặt có giá trị lớn trong các giao dịch này đã tạo nền những mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, làm thất thu thuế và tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng...

Phải tạo thuận lợi cho người dân

Trao đổi với chúng tôi, chị Hiền (Phú Nhuận) cho rằng mua bán nhà hầu hết thanh toán qua NH, như vậy đã loại được rủi ro khi kiểm đếm, tiền giả. Tuy nhiên, mức phí các NH đưa ra như thế nào sẽ là điều mà người dân cân nhắc. Nếu mức phí tăng theo giá trị tài sản, chắc chắn sẽ có việc người dân ghi giá chuyển nhượng trên hợp đồng dưới giá trị thật để chỉ chuyển khoản một phần, phần kia trả bằng tiền mặt. Bằng cách này, mục đích minh bạch hóa các giao dịch lớn sẽ không thực hiện được.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế VN, cho rằng một số quy định tại dự thảo là chưa khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn theo dự thảo, “Tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài được quyền ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt...”. Theo ông Đức, “dự thảo chỉ thể hiện được việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cung ứng dịch vụ tiền mặt chứ không phải nhằm tới hạn chế thanh toán bằng tiền mặt khi quy định ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc NH ACB, cho rằng các giao dịch có giá trị lớn như nhà đất, ôtô... buộc phải thanh toán qua NH là hợp lý, đồng thời tăng tính minh bạch. Mặt khác, những giao dịch buộc phải thanh toán qua NH theo quy định là những tài sản lớn, phần lớn diễn ra nhiều tại những trung tâm kinh tế của cả nước như Hà Nội, TP.HCM... Ở những trung tâm này, người dân cứ “ra ngõ là gặp NH” nên sẽ không cản trở gì.

Tuy nhiên theo bà Phan Thị Chinh - phó tổng giám đốc BIDV, vấn đề là thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vốn đã tồn tại rất lâu. Quy định lần này NHNN chọn những loại tài sản mà người dân phải xác lập quyền sở hữu như nhà cửa, ôtô để buộc phải thanh toán qua NH theo bà Chinh là hợp lý. Người dân phải chứng minh đã thanh toán qua NH mới có thể thực hiện những thủ tục pháp lý tiếp theo như đóng lệ phí trước bạ, ra giấy tờ...

Trước những lo lắng của người dân trước khi quy định mới đi vào hiện thực, trưởng phòng kinh doanh thẻ một NH lớn nói kinh nghiệm phụ trách thanh toán thẻ nhiều năm qua cho thấy với những người giao dịch tài sản lớn như nhà đất, ôtô, hầu hết đều có tài khoản NH. Một khi có tài khoản thì việc thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với việc thanh toán bằng tiền mặt, đồng thời giảm thiểu được rất nhiều rủi ro khi kiểm đếm, tiền giả... Theo vị trưởng phòng này, NHNN cần yêu cầu các NH phát triển dịch vụ Internet banking, khi đó ngồi ở nhà người dân cũng có thể giao dịch, thanh toán chứ không cần phải đến NH.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại