Danh tính của nhân viên trên là Harold T.Martin III, cựu sỹ quan hải quân 51 tuổi; làm việc cho công ty tư vấn Booz Allen Hamilton. Công ty này có trách nhiệm xây dựng và điều hành nhiều chiến dịch mạng “nhạy cảm” nhất của NSA và cũng là nơi “người giải mật" Edward Snowden từng làm việc.
Khám xét nhà và xe hơi của Martin, FBI đã thu giữ được một số thông tin kỹ thuật số và tài liệu mật có độ cập nhật cao được lưu trữ trong các thiết bị điện tử. Martin bị cáo buộc đánh cắp “tài sản của chính phủ”, lưu giữ trái phép các tài liệu mật, trong đó có mã máy tính của NSA dùng để thâm nhập vào mạng máy tính của một số chính phủ nước ngoài.
Các tài liệu trên được hình thành từ nhiều phương pháp, năng lực và nguồn nhạy cảm của Chính phủ Mỹ, liên quan tới nhiều vấn đề an ninh quốc gia. Vì vậy, phía Mỹ đánh giá việc rò rỉ các tài liệu này là rất nghiêm trọng.
Theo FBI, ban đầu Martin phủ nhận việc lưu trữ trái phép tài liệu mật nhưng sau đó thừa nhận đã có hành vi sai. Trong khi đó, luật sư của Martin cho rằng không có bằng chứng về việc Martin có ý định phản bội nước Mỹ.
Giữa tháng 8/2016, FBI bắt đầu đưa Martin vào “tầm ngắm” sau khi một nhóm tự xưng là “The Shadow Brokers” rao bán các công cụ hack của NASA cùng một số thông tin bí mật với giá 500 triệu USD. FBI đang điều tra xem có mối liên hệ nào giữa Martin với những gì mà nhóm “The Shadow Brokers” rao bán hay không; liệu Martin có động cơ chính trị trong vụ việc này hay không?
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm qua, nhân viên nhà thầu của NSA lấy được những thông tin bí mật từ NSA. Năm 2013, Edward J.Snowden từng đánh cắp hàng ngàn trang tài liệu mật, phơi bày chương trình do thám của NSA tại Mỹ và khắp thế giới. Kể từ đó đến nay, NSA đã bỏ ra hàng trăm triệu USD, thiết lập các công cụ mới để giám sát hoạt động của nhân viên để tránh xảy ra một “WikiLeaks” thứ hai.