Theo ông Trịnh, Xí nghiệp 8 đóng tại Thanh Hóa của công ty có tuần phải tiếp đến 3 đoàn thanh, kiểm tra của thuế, bảo hiểm xã hội và liên ngành, trong khi xí nghiệp làm ăn đàng hoàng, tạo công ăn việc làm cho 700 lao động, vẫn nhận bằng khen thường xuyên của Cục thuế tỉnh Thanh Hóa.
Một số cơ sở khác cũng gặp tình trạng tương tự khi hết thanh tra thuế đến kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường… Theo ông Trịnh, các đoàn kiểm tra nên kết hợp với nhau cùng một thời gian để rút gọn thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp tập trung sản xuất.
Ông Nguyễn Khánh Quyền, Giám đốc điều hành Công ty Dệt Minh Khai, cho rằng, doanh nghiệp vẫn đang bị quá nhiều thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra gây phiền hà, quá nhiều đơn vị cùng quản lý một doanh nghiệp. Ngoài ra, một số khó khăn về bảo hiểm, tăng lương, chi phí “lót tay” cũng tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may.
Để hỗ trợ doanh nghiệp không bị “hành” vì các thủ tục thanh, kiểm tra, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu điều chỉnh các quy định về kiểm dịch động thực vật phục vụ cho sản xuất và gia công xuất khẩu theo hướng thuận lợi hóa, áp dụng quy trình kiểm dịch động thực vật sau thông quan, trước khi lưu thông, thay cho hình thức kiểm tra từng lô hàng trước khi thông quan như hiện nay. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị Tổng cục Hải quan lưu ý về chứng từ, thủ tục yêu cầu doanh nghiệp khi thông quan hàng hóa.