> Tản mạn một thời Hồ Đức Việt
> Ông Hồ Đức Việt qua đời
Vội dò hỏi mấy ông TBT khác, họ cũng chả biết gì hơn... Trời dịu. Nhưng nội dung cuộc họp chả dịu tí nào: Người chủ trì cuộc họp là ông Lê Xuân Trinh, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP. Với chất giọng gay gắt ông Trinh thẳng thừng phê bình tờ báo mà tôi đang tòng sự đã để lộ bí mật quốc gia trong một bài viết về ngành dầu khí. Mà bài viết ấy tôi là tác giả. Mà số báo ấy mới phát hành ngày hôm qua!
Hàng chục cặp mắt đổ dồn về phía tôi... Liếc sang thấy ông TBT mặt thoáng tái... Nhất là đến đoạn vị chủ trì cuộc họp cao giọng, ngoài phê bình kiểm điểm nghiêm khắc, vụ việc này sẽ chuyển cho cơ quan pháp luật khẩn trương xem xét!
Mặc dù có thể nói là bấn loạn nhưng loáng nhanh trong tôi là bao nhiêu cái không bình thường! Bao nhiêu là sự không bình thường trong lúc bài báo mới phát hành được một ngày? Tại làm sao mà có những quyết định đột ngột và không bình thường như thế? Thời điểm đó báo chí nói chung đang trên đà đổi mới... Nhiều vụ tiêu cực kể cả những ngành nhạy cảm như hàng không, dầu khí... lần lượt được phanh phui. Dư luận khá háo hức và đặt niềm tin nhiều vào báo chí...
Người chủ trì không quên nhắc ông Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đang có mặt tại cuộc họp phát biểu với tư cách là người đứng đầu cơ quan chủ quản của tờ báo.
Cả phòng họp rộng thênh đông chật người thoắt lặng tờ khi đồng chí Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đứng dậy. Bầu không khí lặng phắc này như một thông điệp rằng: Đây là ý kiến gần như là quyết định sinh mạng chính trị của tờ báo và tác giả! Tôi không nhớ hết và chính xác câu chữ nhưng đồng chí Bí thư thứ nhất nói đại ý thế này: Đến đây ông mới biết nội dung của cuộc họp. Ông sẽ đọc lại bài báo. Tác giả cũng như người phụ trách tờ báo cần tường trình rõ tài liệu cũng như động cơ, mục đích viết bài báo. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cũng như người có trách nhiệm sẽ có những bước xử lý tiếp trên cơ sở Luật báo chí cũng như hệ thống pháp luật hiện hành!
Ông TBT Dương Xuân Nam ngồi bên có hoang mang lẫn bối rối như tôi lúc ấy? Chợt cũng hơi nhẹ người khi ánh mắt của rất nhiều TBT có mặt trong cuộc họp đều hướng về phía đồng chí Bí thư thứ nhất cái nhìn đồng tình lẫn thiện cảm bởi cái ý kiến được coi là thấu tình đạt lý.
Tan họp, ông Hồ Đức Việt đi với tôi một đoạn trong khu vườn của Phủ Thủ tướng. Ông cười như trấn an thuộc cấp: chỉ có động cơ trong sáng không vụ lợi và chỉ có sự thật mới cứu được các ông!
Chuyện gặp nạn ấy qua đã lâu... Và cho đến bây giờ tôi cũng vẫn muốn nói thêm rằng, ngoài động cơ trong sáng và sự thật ra, công việc của những người làm báo chúng tôi, có lẽ an toàn và hiệu quả hơn nếu có thêm một chút may mắn như tôi đã gặp trong vụ này. Đó là sự đồng cảm lẫn dũng cảm của những người đứng đầu cơ quan chủ quản trước sự thật, trước lẽ phải!
Rồi Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hồ Đức Việt được phân công công việc mới: Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Người ta vẫn tấm tắc rằng, công tác cán bộ hay là đầu ra của các thế hệ cán bộ Đoàn thường suôn sẻ? Có phải được tiếng là “cánh tay phải”... lẫn “Đội hậu bị tin cậy” nhiều năm đã làm nên thứ suôn sẻ như một tiền lệ vậy? Thế hệ các “cụ’’ Nguyễn Lam, Vũ Quang rồi Đặng Quốc Bảo, Vũ Mão, Hồ Anh Dũng, Vũ Quốc Hùng, Phan Thế Hùng, Nguyễn Thị Hằng v.v... Gần nữa là Hồ Đức Việt, Vũ Trọng Kim rồi Hoàng Bình Quân... Ấy là thuận miệng mà nói theo dư luận vậy chứ sau này tôi mới biết, Đảng ta đã có hẳn một kế sách là công tác “luân chuyển cán bộ’’ nhằm đào tạo và cả thử thách để lựa chọn những cán bộ trung kiên.
Có mấy bận về với than về với biển Đông Bắc, trong những lần kỷ niệm lớn hoặc họp trọng ở Quảng Ninh, cánh làm báo chúng tôi mới gặp lại Bí thư tỉnh ủy Hồ Đức Việt. Gặp là gặp vậy thôi chứ quan chức với nhà báo, thường kính nhi viễn chi chứ chuyện chi nhiều... Biết là biết Quảng Ninh đang yên hàn rồi chững chạc hội nhập với cả nước rồi với khu vực với quốc tế, mời gọi thiên hạ bằng kinh tế than, biển, du lịch...
Rồi nghe tin ông Việt về đảm nhận chức Phó ban tổ chức T.Ư, cánh thạo tin bao giờ cũng nhanh nhảu đại loại “những cán bộ nguồn như ông này còn lên nữa!”.
Hai năm sau, dư luận bất ngờ nghe tin ông Hồ Đức Việt được cử đi làm Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên! Có một bận lên xứ Thái dự một cuộc họp, tình cờ gặp lại đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hồ Đức Việt...
“Sư lớn về chùa bé... Hồ Núi Cốc Thái Nguyên bì sao với Vịnh Hạ Long?’’ - anh bạn đồng nghiệp vốn quen ông đã lâu nên buông một câu có vẻ thân gần như thế... Ông Việt chỉ cười...
Ông vốn kiệm lời. Nhiều cuộc họp trọng được dự ké, thường thấy ông nghe người khác chán rồi, ông mới nói. Mà có vẻ như ông luôn có cái cười thường trực ấy? Giải mã cái cười của ông thế nào cho những sự tò mò thắc mắc hay những gì đại loại như thế? Đảng cử dân bầu thì phải làm? Chấp hành nghiêm túc lệnh trên? Bình thản chấp nhận để rồi...? v.v... Chao ôi, biết thế nào mà lần!
Ông vốn kiệm lời. Nhiều cuộc họp trọng được dự ké, thường thấy ông nghe người khác chán rồi, ông mới nói. Mà có vẻ như ông luôn có cái cười thường trực ấy? Giải mã cái cười của ông thế nào cho những sự tò mò thắc mắc hay những gì đại loại như thế? Đảng cử dân bầu thì phải làm? Chấp hành nghiêm túc lệnh trên? Bình thản chấp nhận để rồi...? v.v... Chao ôi, biết thế nào mà lần! Với lại anh bạn đồng nghiệp, dẫu rằng đùa vui một tẹo nhưng so sánh “lớn’’ với “bé’’ mà làm chi? Tôi cứ nghĩ mau và hơi vội thế này: Tỉnh nào, địa phương nào mà cứ yên hàn, cứ không có việc chi nổi cộm để cánh báo chí phải chạy đôn chạy đáo là thấy rõ vai trò của những người cầm chịch ở địa phương ấy, ở tỉnh ấy như thế nào? May mắn, Quảng Ninh với Thái Nguyên, hai nhiệm kỳ của ông đều là yên hàn cả...
Rồi lại được gặp ông ở Quốc hội không phải tư cách là đại biểu của Quảng Ninh hay của Thái Nguyên nữa mà là chức danh mới: Chủ nhiệm một Ủy ban quan trọng của Quốc hội - Khoa học công nghệ và Môi trường. Cánh báo chí nháy nhau, thời buổi hội nhập với mở cửa có một ông tiến sĩ về Toán - Lý lại thạo ba ngoại ngữ đứng đầu một Ủy Ban để làm công tác giám sát với thẩm định như vậy là phải lắm!
Đã là phải, đã là hoàn hảo chưa khi cuộc sống có bao điều bất ngờ? Lần đó, cánh ký giả tây, ta tại trung tâm báo chí Đại hội Đảng X, khi nghe ông Đào Duy Quát thông báo danh sách Bộ Chính trị không xếp theo vần ABC mà theo thứ tự phiếu bầu đã tự động bàn soạn cái việc xếp việc cho từng vị!? Mặc dầu khi ấy, Ban Bí thư chưa quyết định chức phận, công việc cho từng thành viên.
Đến Ủy viên Bộ chính trị Hồ Đức Việt thì những tay mau miệng và thường tỏ ra thạo tin đều... tắc tị bởi không biết vị Ủy viên BCT này sẽ đảm đương công tác gì! Điều tắc tị ấy được khai thông mãi tới khi Tổng Bí thư và Bộ Chính trị phân công đồng chí Hồ Đức Việt đảm nhận công tác mới: Trưởng Ban tổ chức T.Ư Đảng.
...Giờ giải lao của một phiên họp Quốc hội, sự tò mò của cánh báo chí dường như làm chậm hẳn những bước khoan thai của cụ Nguyễn Đức Tâm, nguyên một thời là Trưởng ban Tổ chức T.Ư, vốn là khách mời của Quốc hội. Tôi để ý, khi chuyện trò với nhà báo, cụ phải thay đổi thế đứng mấy lần.
Qua câu chuyện của cụ, tôi sơ sơ biết được những cái mốc tổ chức sừng sững một thời, một thuở: Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Đức Tâm, Lê Phước Thọ, Nguyễn Văn An, Trần Đình Hoan và bây giờ là Hồ Đức Việt. Có người hỏi cụ cảm tưởng về vị tân tổ chức thì cụ cười, giọng yếu nhưng nghe rõ là, cứ để cuộc sống đặt ra những vấn đề và xem giải quyết những vấn đề ấy như thế nào!
Nhân cụ nhắc đến ông Lê Đức Thọ, người làm tổ chức một thời, tôi chợt nhớ trong hồi ức của đồng chí Nguyễn Linh, nguyên Phó ban tổ chức Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã ghi lại lần thăm đồng chí Lê Đức Thọ, khi đó ông Sáu Thọ đương mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư) sức khỏe đã rất yếu... Trong câu chuyện tâm tình suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, đồng chí Nguyễn Linh có hỏi ông Sáu Thọ thế này: “Tại sao một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng như anh suốt đời phấn đấu hy sinh cho dân tộc cho Đảng trên nhiều mặt, công trạng nhiều mà cuối đời còn bị tiếng nặng tiếng nhẹ của một số người?”. Ông Sáu Thọ đáp liền: “vấn đề cậu đặt ra chính mình cũng đã tự vấn lâu nay. Mình nhớ nhiều lần nói với cậu và anh em làm công tác cán bộ rằng, hiểu con người, hiểu cán bộ, đánh giá sắp xếp đúng 100% là rất khó, cực kỳ khó... Nghề tổ chức cán bộ là một nghề dễ gây ân oán. Đánh giá sắp xếp đưa lên, đưa xuống, đưa vào, đưa ra dù đúng cũng có khi cũng bị oán vì một số anh em ít nhiều vẫn so bì, ấm ức. Huống hồ có đôi khi do thiếu sâu sát hay vì định kiến hoặc cả nể quá tin... mà đưa tới sự bố trí công tác hoặc xử lý sai gây ra những hậu quả phức tạp”.
Với hai năm làm Phó ban tổ chức T.Ư, chưa dám bảo ông Hồ Đức Việt đã là quen người thuộc việc nhưng chắc ông không mấy xa lạ với thứ công việc thuộc khoa học dùng người và về chính con người này?
Hình như một lần tôi có bộc bạch lại cùng ông hai chuyện trên đây... Ông Việt lẳng lặng nghe và vẫn cái cười quen thuộc cố hữu cùng thói quen kiệm lời như thuở nào: Đúng như thế, khó lắm, khó lắm...
Nghe những muốn nối thêm, nghề ấy vốn nhọc nhằn. Và bất trắc nữa…
(Trích từ cuốn Những cự ly thương mến sắp xuất bản)