'Món quà' bất ngờ của nhạc sỹ Hồng Đăng

TP - Tác giả “Hoa sữa” vừa được vinh danh ở Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Đây hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái. Năm ngoái, người được vinh danh là nhạc sỹ Phú Quang. Trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình, hiếm khi nhạc sỹ Hồng Đăng nhận được “món quà” bất ngờ đến thế. Đó là lý do khiến vợ ông rơi nước mắt khi lên nhận giải thưởng thay chồng.
Vợ chồng nhạc sỹ Hồng Đăng (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Phu nhân nhạc sỹ Hồng Đăng, chị Lê Anh Thúy chia sẻ: “Giải này không phải xin, chẳng phải làm hồ sơ gì cả, tất cả là do người ta tự đề cử, tự cân nhắc, tự bàn với nhau. Theo tôi đây là cơ chế rất tốt cho một giải thưởng. Giải vinh danh người được nhận. Ngược lại, người được nhận cũng vinh danh cho giải thưởng”. Chị Thúy kể tiếp: “Chúng tôi rất ngạc nhiên, không hay biết chút nào về việc sẽ được vinh danh. Khi phóng viên đến xin quay hình để làm phóng sự, họ mới thông báo với gia đình, Hồng Đăng được giải thưởng lớn, giải Bùi Xuân Phái. Hôm ấy, đúng vào đợt mưa gió, 10 ngày 3 trận bão, ông xã rất mệt, có ngồi được mấy đâu. Ông bảo tôi: “Thôi em muốn làm gì thì làm”. Tôi cũng lúng túng không biết phải làm gì, đành gọi cho anh Nguyễn Thụy Kha nhưng anh Nguyễn Thụy Kha bận việc nhà. Tôi lại quay sang gọi anh Đỗ Hồng Quân. May quá, anh Quân đến, ông Đăng vui, lại ngồi dậy chuyện trò… Thế là cũng xong cái phóng sự”.

Trong đời sáng tác của mình, tác giả “Hoa sữa” hay nhận được “quà” bất ngờ không? Tôi hỏi chị Lê Anh Thúy. Chị cười lớn, tếu táo: “Ông ấy có được giải mấy khi! Nhuận bút thì thấp nhất Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng nên”. Chị tiết lộ, mỗi quý Hồng Đăng nhận được từ 3-4 triệu đồng, tiền tác quyền. Chắc cũng chỉ đủ ông ấy chi tiêu vặt: “Bây giờ ốm, ông ấy còn đỡ mua vặt. Ngày xưa lúc còn khỏe, ông ấy có cả va li to vật, toàn những quyển số xinh xinh đẹp đẹp”, chị Thúy “mách tội” chồng. (Nhưng không cần chị Thúy “mách tội” thì nhiều người đều biết đến thú tặng quà của nhạc sỹ Hồng Đăng, ông hay tặng phóng viên văn nghệ khi thì chiếc bút, khi thì quyền sổ nhỏ xinh).

Trong đêm nhạc của mình trước đây, nhạc sỹ Hồng Đăng đã từng tâm sự: Ông sinh ra ở vùng gần biển, những đêm khuya thanh vắng tiếng sóng biển cứ ầm ào dội về, hình thành ký ức không quên suốt thời thơ dại. Nhưng sự nghiệp sáng tác của Hồng Đăng không chỉ in dấu sâu đậm trong chùm ca khúc về biển mà mảng viết về Hà Nội của ông cũng đặc sắc không kém. Nhắc đến Hồng Đăng, người yêu nhạc Việt lại nhớ: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em?”. Hoa sữa đi vào nhạc không ít qua sáng tác của nhiều nhạc sỹ khác: “Hoa sữa thôi rơi/Em bên tôi một chiều tan lớp…”; “Mùa hoa sữa về thơm bàn tay nhỏ” … Nhưng ca khúc vinh danh hoa sữa chính là nhạc phẩm cùng tên của Hồng Đăng. Điều thú vị, đã nhiều lần ông chia sẻ, nhạc sỹ viết về hoa sữa khi chưa biết màu sắc, mùi hương của nó ra sao. Ngoài “Hoa sữa” dành cho Hà Nội, Hồng Đăng còn có một ca khúc nổi tiếng khác, người trẻ của hôm nay có thể ít quen. Đó là “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”: “Trưa nay qua đường phố quen/Gặp những tiếng ve đầu tiên/Chợt nghe tâm hồn xao xuyến/Điệp khúc tiếng ve triền miên/Tiếng ve đu cành sấu/Tiếng ve náu cành me/Tiếng ve vẫy tuổi thơ/Tiếng ve chào mùa hè”… “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” được Hồng Đăng viết từ những năm 70 của thế kỷ trước, là cảm xúc của ông trước cảnh sinh viên Hà Nội “xếp bút nghiên” lên đường ra trận: “Tiếng ve trên đường vắng/Hát theo bước hành quân/Mãi xa vẫn còn ngân/Tiễn tôi ra mặt trận”. Đặc biệt, Hồng Đăng còn là tác giả của thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm”, năm 1964, một trong những tác phẩm âm nhạc lớn đầu tiên về Hà Nội. Chưa kể đến “Mưa bụi” (Thơ: Ngô Chinh, nhạc: Hồng Đăng), giải C, Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sỹ Việt Nam 2018, cũng là một ca khúc dành cho Hà Nội.

Không sinh ra, không lớn lên ở Hà Nội, tại sao Hồng Đăng lại thành công với những tác phẩm viết về Hà Nội? Phu nhân nhạc sỹ chiêm nghiệm: “Ông ấy may mắn vì cả đời sống riêng lẫn đời sống sáng tác đều… rất truân chuyên, lận đận. Nếu không truân chuyên thì không có cảm xúc mạnh để viết”. Chị kể: “Chồng tôi quê ở Yên Thành, Nghệ An. Ông nội là nhà nho yêu nước, bác ruột là Phan Đăng Lưu, nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng… Ngay từ khi còn rất trẻ Hồng Đăng đã “xê dịch” khắp nơi. 14, 15 tuổi đã lang thang đi bộ từ Nghệ An ra tận Việt Bắc. Năm 54, Hồng Đăng về Hà Nội. Khi ấy, mới 18 tuổi, nên Hà Nội gây ấn tượng mạnh với một tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm như ông ấy. Cách đây 12 năm, chồng tôi từng viết một bài ký, đã đăng trên báo tết. Trong bài ký ấy ông ấy có diễn tả tâm trạng háo hức của mình trong những ngày tết xa xưa, chàng trai trẻ Hồng Đăng cứ đạp xe vòng quanh Bờ Hồ, thấy đời đẹp lắm”. Về mặt tính cách, tác giả “Hoa sữa” cũng có nhiều nét của người Tràng An: “Ông ấy hiền lành, tử tế, lịch lãm, thế hệ ấy đều thế cả. Hồng Đăng lại sinh ra trong gia đình trí thức Tây học nên ảnh hưởng văn hóa Pháp mạnh. Đã thế, ông ấy còn rất đa tình, mê phụ nữ đẹp”, nói đến đây chị Lê Anh Thúy lại cười vui vẻ.

Theo phu nhân của nhạc sỹ, có lẽ Hồng Đăng được vinh danh ở giải thưởng lớn, Vì tình yêu Hà Nội, còn nhờ những đóng góp của ông trong công tác giảng dạy. Ông là học viên khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau đó, Hồng Đăng được giữ lại giảng dạy. Tác giả “Hoa sữa” là thầy của lớp học trò nổi tiếng Nguyễn Cường, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thuận Yến… Ông dạy về hòa thanh và phức điệu. Thời ấy, vì tài liệu thiếu, nên Hồng Đăng đã viết cuốn sách “Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng”, cuốn này từng được tái bản chục lần. Vì nhuận bút sách quá bèo bọt, nên sau này Hồng Đăng hết “hứng” làm sách. Một học trò nổi tiếng khác của Hồng Đăng chính là nhạc sỹ Phú Quang, tác giả của rất nhiều nhạc phẩm về Hà Nội được yêu thích. Phú Quang đặc biệt kính trọng hai người thầy âm nhạc là nhạc sỹ Hoàng Vân và nhạc sỹ Hồng Đăng: “Hồi đó đi sơ tán, để đỡ phải lao động chân tay, nên Hồng Đăng nghĩ ra sáng kiến mở lớp dạy sáng tác vào ngày nghỉ. Phú Quang đứng nhiều buổi ở ngoài cửa để nghe. Chính Hồng Đăng đã mời Phú Quang vào lớp ngồi nghe đàng hoàng. Phú Quang thành trò “không chính quy” của Hồng Đăng như thế”, chị Lê Anh Thúy giải thích.

Năm nay, là một năm “được mùa” giải thưởng của nhạc sỹ Hồng Đăng. Ngoài giải thưởng Vì tình yêu Hà Nội, tác giả “Hoa sữa” còn được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: “Ông ấy chả bao giờ chủ động xin cái gì. Giải thưởng Hồ Chí Minh là tôi làm hồ sơ cho ông ấy. Lúc đầu, cũng tưởng vất vả lắm, định đem mấy tác phẩm lớn ra đưa vào hồ sơ, như “Sông Hồng ngàn năm” hay mấy tác phẩm khí nhạc, mấy quyển sách. Nhưng giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ yêu cầu 5 tác phẩm có giải thưởng. May quá, ông ấy có chùm 5 ca khúc giải nhất của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Thành ra việc hoàn thiện hồ sơ cũng đơn giản hơn nhiều”, chị Lê Anh Thúy chia sẻ.

Sức khỏe của nhạc sỹ Hồng Đăng hiện nay không tốt. Cùng lúc ông gánh nhiều bệnh: Suy tim, gout, tiểu đường… Như Hồng Đăng từng nói: May mắn “khổng lồ” của ông là có người vợ hết lòng chăm sóc. Những hôm nắng ráo, sức khỏe ông khá lên. Những hôm thời tiết âm u, ẩm ướt, ông lại mệt. Đã lâu, Hồng Đăng không ra khỏi nhà, ông di chuyển trong nhà bằng khung. Bạn văn nghệ thường ca ngợi Hồng Đăng có tài xem tướng số. Tôi hỏi phu nhân nhạc sỹ: “Hồng Đăng có tự đoán trước mọi sự của cuộc đời không? Năm nay giải thưởng đề huề quá! ”. Chị Lê Anh Thúy cười lớn: “Tôi thấy cả đời ông ấy có một lần xem số giỏi nhất là khi “phán”: Em phải lấy anh. Thế là tôi lấy anh ấy”.