Báo cáo kết quả giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong giai đoạn từ 2014 – 2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, 7.706 ha rừng; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy làm chết hoặc bị thương 1 người.
Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Hải Hưng, qua giám sát tại các Bộ GD&ĐT, NN&PTNT, KH&CN, Bộ KH&ĐT, các địa phương như: Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, cho thấy tại hầu hết địa phương, đơn vị chủ yếu tập trung phổ biến, nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật mới cơ bản đáp ứng một phần yêu cầu nhiệm vụ mà chưa chuyển hóa trong các hoạt động cụ thể nên kết quả còn hạn chế. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tổ chức thực hiện chưa được thường xuyên. Một số địa phương chưa có giải pháp kịp thời để xử lý những vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, những quy định của luật chưa được chấp hành một cách nghiêm túc. Nếu Luật Phòng cháy chữa cháy cùng với các văn bản dưới luật được chấp hành tốt thì thực trạng cháy nổ đã không nghiêm trọng như thời gian qua. Do đó, qua giám sát cần đưa ra được những kiến nghị cụ thể, thiết thực để sau giám sát có được Nghị quyết của Quốc hội gây chuyển biến thực sự.
Về dự kiến kế hoạch hoạt động của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 7, Đoàn giám sát sẽ tổ chức làm việc sâu với các bộ ngành liên quan về một số nội dung lớn như phòng chống cháy rừng; phòng cháy chữa cháy ở các khu công nghiệp tập trung, khu vực làng nghề, xưởng kinh doanh, khu chung cư cao tầng; phòng cháy chữa cháy đối với kho xăng dầu, khí hóa lỏng các nhà máy hóa chất, điện; tiếp tục giám sát tại một số cơ sở vui chơi, giải trí, kinh doanh karaoke…