Thông tin được ông Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp - Phát triển nông thôn II cho hay tại diễn đàn kết nối nông sản 970 “Thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản và thực phẩm tươi sống cho TP.HCM trong điều kiện COVID-19” diễn ra sáng 11/9.
Theo ông Hải, việc hình thành các đầu mối cung cấp nông sản là một trong những thành công trong điều kiện tình hình dịch COVID-19. Hiện tại có 1.431 đầu mối, được xây dựng từ 29 tỉnh thành. Một số tỉnh trước đó việc tiêu thụ rất khó khăn, đã triển khai hình thành đầu mối rất năng động và hiệu quả như Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang…
“Chúng tôi cũng khuyến cáo, nếu muốn cung cấp hàng hóa về TP.HCM và các tỉnh khác thì các địa phương, sở ngành cố gắng hình thành được những đầu mối cung cấp hàng như thế, để tạo thuận lợi kết nối mua bán” – ông Hải nói.
Sự đa dạng nguồn hàng của các đầu mối đã giúp ổn định nguồn cung cho TP.HCM. Cụ thể, trong 1.431 đầu mối, có 394 đầu mối cung cấp rau củ quả, 373 đầu mối trái cây, 516 đầu mối thủy sản và 83 đầu mối về lương thực, còn lại có 65 đầu mối do cơ quan đứng ra hỗ trợ.
Trên trang web hỗ trợ kết nối cung cầu của Tổ công tác 970 https://htx.cooplink.com.vn/home, ngày thấp nhất có 44.000 truy cập, ngày nhiều nhất có 55.000 truy cập. Mỗi ngày doanh thu đặt hàng đơn lẻ từ 1-1,3 tỷ đồng, tuy nhiên lượng hàng giao cho các đơn vị hiện chỉ đạt 20-30% do khó khăn trong việc đi lại.
Ông Hải cho rằng, sáng kiến gói combo là mô hình mới của Việt Nam được người dân và các hệ thống phân phối chấp nhận, phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Mỗi gói combo nông sản có 5 loại/10kg, sử dụng 3-5 ngày, đi siêu thị cũng chỉ cần nhận tại một điểm, giảm việc tiếp xúc…
Đại diện Tổ công tác 970 cho biết thêm, trong điều kiện COVID-19, tất cả các sản phẩm nào có đăng ký VietGAP, GlobalGAP gần như 100% Tổ công tác 970 hỗ trợ tiêu thụ được hoàn toàn, đây là dấu hiệu rất mừng.
Gần đây, một số địa phương có thêm “nhật ký sản xuất điện tử”, dựa vào đó đưa mã truy xuất nguồn gốc cho nhà mua. Hiện Tổ công tác 970 đang kết nối các đơn vị công nghệ hỗ trợ miễn phí cho các địa phương để nông dân thực hiện việc này…
Cần tiếp tục hỗ trợ
Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, địa phương đang gặp khó ở mặt hàng thủy sản, cụ thể là cá tra. Các nhà máy hoạt động khó khăn, không xuất được, hiện nay lượng cá tra chuẩn bị quá lứa rất lớn. Mặt khác, người dân không có tài chính để tái đầu tư sản xuất, cần có cơ chế cho vay hỗ trợ để người dân sản xuất, để có nguồn cung cuối năm…
Ông Văn Hữu Huệ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long thông tin, hiện tỉnh còn tồn đọng nhiều mặt hàng như: xà lách xoong 19 tấn/ngày; bưởi Năm Roi 50 tấn/ngày; cam sành 50 tấn/ngày; chôm chôm 30 tấn/ngày; ngoài ra còn có chanh, nhãn…, riêng khoai lang còn 2.000 tấn. Việc tham gia mô hình của Tổ công tác 970 của Vĩnh Long còn hạn chế, tỉnh hiện có 100 HTX nông nghiệp nhưng chỉ có 2 HTX tham gia mô hình combo…
Tại diễn đàn, các ý kiến cho rằng, sáng kiến của Bộ NN&PTNT thành lập Tổ công tác 970 và duy trì diễn đàn này rất thiết thực và đặc biệt ý nghĩa trong điều kiện dịch COVID-19 như hiện nay, giúp có nhiều thông tin quan trọng và kịp thời để đánh giá được bức tranh chung, tình hình sản xuất kinh doanh theo từng tuần, tháng…
Rau gia vị ùn ứ lớn
Theo ông Trần Minh Hải, thời gian qua, thông qua kết nối, lượng hàng tiêu thụ hàng ngày rất lớn. Tuy nhiên từ ngày 1/9 đến nay có dấu hiệu bất thường đó là sự ùn ứ của các sản phẩm rau gia vị như sả, gừng, riềng, ngò...
“Có thể là do tác động của thông tin liên quan đến chất EO trong mì ăn liền, có khả năng ảnh hưởng tới chuỗi dây chuyền thế nào đó, nhưng mà lượng hàng như sả ở Tiền Giang, ngò, gừng, riềng, một số sản phẩm chế biến ra gói nêm trong mì ăn liền... dư hàng rất nhiều. Chưa có nghiên cứu nào có sự liên quan giữa thông tin không chính thức từ chất EO gây ung thư trong mì ảnh hưởng tới ngành rau gia vị, nhưng dữ liệu của Tổ công tác 970 cho thấy có sự ùn ứ rất lớn” – ông Hải cho hay.