Hướng phát triển bền vững
Các tối cuối tuần từ 25/12/2020, du khách và người dân thủ đô dần quen với việc được thong dong tản bộ quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, xuyên sang không gian đi bộ khu vực lõi khu phố cổ Hà Nội. Thay vì đối mặt với dòng xe không ngừng chảy qua phố Hàng Bạc cắt các trục phố đi bộ như trước, du khách yên tâm với không gian đi bộ sau khi mở rộng không gian phía Nam khu Phố cổ. Các tuyến phố nằm trong không gian đi bộ của lần mở rộng này gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc đều dành trọn cho người dân và du khách bách bộ.
Từ tuyến đi bộ thuở ban đầu Hàng Đào - Hàng Ngang -Hàng Đường - Đồng Xuân, lãnh đạo và nhân dân Hoàn Kiếm có những bước đi bền vững bằng nghiên cứu và dần hình thành không gian đi bộ ngày một rộng lớn và hiệu quả hơn. Sáu tuyến phố trong khu vực bảo tồn cấp I được mở rộng vào giai đoạn 2 gồm các phố: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện thu hút khách du lịch và người dân quen với không gian đi bộ suốt 6 năm qua. Khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm cũng đã có bốn năm kiểm chứng, được người dân và du khách đón nhận.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cùng với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội đã trở thành thương hiệu, điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô. Phố đi bộ tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước, là nơi hội nhập văn hóa thế giới và các vùng miền. “Các hoạt động trong không gian đi bộ trên địa bàn quận đã có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội và cảnh quan không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm”, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm nói.
Xây dựng kế hoạch với tầm nhìn dài hạn, thận trọng trong từng giai đoạn thí điểm, lấy ý kiến và tôn trọng ý kiến của người dân, tạo tiếng nói đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong việc thực hiện và triển khai không gian đi bộ. Kết quả đạt được trong thời gian qua chứng tỏ tầm nhìn có tính chiến lược của UBND quận Hoàn Kiếm. Với lần mở rộng lần này, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (di tích quốc gia) và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (di tích quốc gia đặc biệt) đã thực sự kết nối để tạo thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo ra sự gắn kết giữa 2 không gian đi bộ, qua đó phát huy hết tiềm năng giá trị lịch sử, văn hóa của hai khu vực này, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô - Thành phố Vì Hòa bình; đồng thời, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.
Thêm cơ hội cho du lịch
Du khách quốc tế khi đến Hà Nội thường có nhu cầu khám phá các hoạt động dịch vụ, giải trí diễn ra vào ban đêm, cho nên việc mở rộng phố đi bộ cũng là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm thú vị. “Các nước châu Âu, các nước trong khu vực như Singapore, Nhật Bản cũng chú trọng thu hút khách về đêm. Phố đi bộ kết hợp với kinh tế đêm vừa giúp cho người dân địa phương có thêm hoạt động thương mại, dịch vụ tăng thêm thu nhập tài chính cho họ, mặt khác cho du khách thêm lựa chọn trải nghiệm khi lưu trú tại Thủ đô”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch nói.
Nhìn vào hiệu quả từ không gian đi bộ trước đó, ông Hoàng Nhân Chính nhận thấy mặt tích cực phản ánh qua lượng khách du lịch quốc tế lưu trú tại Hoàn Kiếm tăng nhanh trong mấy năm qua, số cửa hàng kinh doanh chuyển sang dịch vụ du lịch cũng phát triển mạnh. “Đối với khách quốc tế, họ coi trọng việc được trải nghiệm, được tham gia hoạt động quan trọng hơn là chỉ ngắm nhìn. Trong không gian phố đi bộ có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, vì thế muốn du khách có trải nghiệm cũng cần tạo ra các hoạt động, sự kiện văn hóa để thu hút du khách, ông Hoàng Nhân Chính nói.
Khu vực phố cổ chứa đựng nhiều tầng văn hóa, lịch sử. Những công trình di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc như Đền Bạch Mã, Đền Quan Đế, Đền Hương Tượng, đình Kim Ngân, Đồng Lạc hay ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất nên tạo ra quầy thông tin, hoặc biển hiệu sơ đồ của toàn bộ không gian đi bộ cho du khách có thể chủ động trải nghiệm đầy đủ nhất. Hoàn Kiếm cũng có thể nghĩ tới việc ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động để khách tìm hiểu cặn kẽ hơn giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực này.
Không chỉ sở hữu hệ thống dày đặc đình, đền, chùa có giá trị, Hà Nội cũng sở hữu di sản phi vật thể được UNESCO vinh danh như ca trù, hay các loại hình nghệ thuật truyền thống được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến như múa rối nước. Không chỉ trình diễn đơn thuần, để các di sản này thực sự thu hút khách, những nhà tổ chức tăng tính tương tác qua lớp học hoặc không gian trải nghiệm mở ngay tại không gian đi bộ. Cách BQL Phố cổ Hà Nội từng tổ chức lớp học nấu ăn cho du khách trải nghiệm chính là minh chứng sinh động nhất.
Ủng hộ chủ trương mở rộng không gian đi bộ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Giám tuyển không gian nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng) cho rằng, xu hướng phát triển không gian phố đi bộ của Hà Nội phù hợp với thế giới. “Hà Nội có lõi đô thị nghìn năm rất khác biệt với nhiều đô thị khác trên thế giới: có hồ Hoàn Kiếm tuyệt đẹp, với hệ thống di tích có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc”, họa sĩ Thế Sơn nói. Cùng với việc phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhìn ra hướng phát huy giá trị của đô thị Hà Nội. “Khu vực Hoàn Kiếm sở hữu hệ thống đình có thể trở thành không gian văn hóa và sáng tạo có giá trị. Như Đình Nam Hương giờ trở thành không gian gắn với các hoạt động trưng bày, giới thiệu tranh Hàng Trống. Với đền Bạch Mã, chúng ta có thể nghĩ tới câu chuyện của Tứ trấn Thăng Long gắn liền với di tích. Chăm chút lại lịch sử là hướng phát triển bền vững và văn minh”, anh nói.
Không gian đi bộ phố cổ Hà Nội mở rộng trong tương lai còn có giá trị kết nối với không gian đi bộ Phùng Hưng. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng phát huy giá trị di tích phố cổ không chỉ ở hướng tiếp cận lịch sử và nghệ thuật, rộng hơn chính là hướng phát triển không gian sáng tạo. Hà Nội chính thức là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Không gian dịch vụ và nghệ thuật đương đại ở khu vòm cầu đường sắt Phùng Hưng sau khi đục thông chính là hướng đi bền vững, hướng đi của tương lai không riêng khu vực phố cổ mà còn của thành phố Hà Nội.
Ngày 25/12/2020, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký Văn bản số 5869 về mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo đó, thành phố chấp thuận chủ trương thí điểm thực hiện đề án này, giao UBND quận Hoàn Kiếm, chủ trì phối hợp với Sở, ngành và các đơn vị đảm bảo các yếu tố về trật tự đô thị, trật tự giao thông, hoạt động kinh doanh, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong quá trình thực hiện, chính quyền quận Hoàn Kiếm lắng nghe, ghi nhận những vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp. Các chuyên gia du lịch, văn hóa cho rằng sau quá trình thí điểm, người dân dần nhận ra giá trị lớn lao họ tự nguyện chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp hơn để phục vụ khách du lịch hiệu quả và bền vững.