Mở ra trang mới trong quan hệ song phương giữa Việt Nam-Ai Cập

Nhật báo Al Messa - một trong những tờ báo hàng đầu của Ai Cập, số ngày 3/9 đã đăng bài viết của Phó Tổng Biên tập Rifaat Khaled, trong đó đánh giá rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-7/9 của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, theo lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ song phương.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi. (Nguồn: Alleastafrica)

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1963. 

Theo tác giả Khaled, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống El-Sisi có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi mở ra nhiều cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế... 

Đặc biệt, 2017 là một năm quan trọng trong quan hệ song phương, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam khi Việt Nam đăng cai các sự kiện Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). 

Việc đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017 là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khu vực và tăng cường vai trò và vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. 

Bài viết nhận định Tổng thống El-Sisi rất quan tâm tới hòa bình và ổn định trên thế giới. Đây cũng sẽ là nội dung mà nhà lãnh đạo Ai Cập sẽ thảo luận với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. 

Theo tác giả bài viết, Ai Cập ủng hộ quan điểm nhất quán của Việt Nam trong duy trì an ninh, hòa bình, ổn định ở khu vực; tăng cường lợi ích chung giữa các nước thành viên ASEAN với các nước trong khu vực và thỏa thuận liên kết ASEAN trong tăng cường hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Bài viết đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 diễn ra hồi tháng Tám vừa qua tại Philippines, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Bản ghi nhớ (MOU) về việc thành lập Trung tâm ASEAN-Trung Quốc nhằm đánh giá các báo cáo về việc thực thi các kế hoạch hành động với các bên đối thoại. Đây là sự khởi đầu tích cực cho tiến trình đàm phán hiệu quả và thiết thực Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) sau này. Văn kiện này sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới. 

Việt Nam và Ai Cập cũng đã ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Ai Cập ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và Ủy ban Luật pháp Quốc tế giai đoạn 2017-2020. Việt Nam ủng hộ Ai Cập tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) vào tháng 9/2016. 

Phía Việt Nam cũng đã đề nghị Ai Cập ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường thực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Việt Nam ủng hộ và đánh giá cao các chương trình cải cách kinh tế của chính phủ Ai Cập. Phía Ai Cập rất coi trọng những kinh nghiệp phát triển kinh tế và du lịch của Việt Nam. Du lịch là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam, với doanh thu của ngành công nghiệp không khói đạt 16 tỷ USD năm 2015, tương đương 9,3% GDP. 

Việt Nam đang nỗ lực phát triển ngành du lịch để thu hút 55 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2050, theo đó Việt Nam có kế hoạch triển khai một loại dự án hạ tầng du lịch cũng như hạ tầng giao thông kết nối với các quốc gia láng giềng. Theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2050.

Theo Theo Vietnamplus