Trong bối cảnh người người, nhà nhà lao vào cuộc đua bất động sản, một trong những khu vực được các doanh nghiệp ưa thích nhất đổ tiền vào mua nhiều chính là Huyện Quốc Oai ngay từ khi Hà Tây chưa sáp nhập với Hà Nội. Quốc Oai đứng đầu bảng về số lượng dự án của Hà Nội, hiện nay khi có tới 103 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn với quy mô chiếm đất tới 9.915 ha.
Nhìn lên bản đồ của huyện, thấy chi chít các dự án, hầu như nơi nào có phong cảnh đẹp, đường sá thuận lợi đều có người đến xí phần lập các khu đô thị mới, nhà vườn, biệt thự sinh thái, khu vui chơi giải trí hay sân golf.
Chỉ một đoạn đường dài hơn một km từ đường Láng - Hòa Lạc đến khu vực Chùa Thầy thuộc địa phận xã Sài Sơn, có đến 13 dự án bất động sản, chiếm hàng trăm héc ta đất, phần lớn thuộc loại bờ xôi ruộng mật của Sài Sơn:
Khu đô thị (KĐT) Monaco Garden của Cty Sơn Đông rộng 14,68 ha; KĐT Monaco Garden của Cty Nettra 15,36 ha; khu Monaco Garden của Cty Tây Đô 11,44ha; khu vườn sinh thái, nhà nghỉ cuối tuần rộng 6,5 héc ta thuộc Cty Tất Thành; khu vườn sinh thái, nhà nghỉ cuối tuần nằm sát cạnh rộng 7,86 ha của Cty Hoàng Lộc; khu Hà Nội Greenwich Village 24,19 ha của Cty BB; KĐT mới CEO rộng 20 ha của Cty C.E.O Investment JSC; khu du lịch sinh thái cao cấp Tây Thiên Minh 33 héc ta của Cty cổ phần thương mại quốc tế D&S; khu nhà ở Tuần Châu, 54,44 ha của Cty Tuần Châu; khu biệt thự cao cấp Metropole của Cty cổ phần Praha Hà Tây. Trong số đó, hoành tráng nhất là khu trung tâm giải trí và sân golf 18 lỗ của Cty Tuần Châu - Hà Tây, rộng 200 ha.
Các doanh nghiệp có dự án đều quảng bá về mình với những lời có cánh. Chẳng hạn, C.E.O Investment JSC thuyết minh trên tấm panô tại dự án như sau: Khu đô thị CEO sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hoàn hảo về hạ tầng xã hội để trở thành một khu dân cư cao cấp, khu phức hợp văn phòng, thương mại, thể thao, giải trí tiêu chuẩn quốc tế.
Về phần mình, Cty Cổ phần Thương mại Quốc tế D&S khoe có kinh nghiệm xây dựng loạt khu du lịch sinh thái tại nhiều địa phương trên khắp cả nước…
Tuy nhiên, trừ vài doanh nghiệp mới san lấp được ít mặt bằng, hầu hết các dự án trên đều gần như án binh bất động với mấy tấm panô đứng trơ trọi giữa đồng mênh mông, hiu hắt.
Đau đầu vì dự án
Đấy mới chỉ là những dự án quanh khu vực xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai còn rất nhiều dự án của nhiều đại gia. Chủ tịch UBND Huyện Quốc Oai, ông Hoàng Sen cho biết, Quốc Oai vốn là huyện thuần nông, diện tích tự nhiên 14.700 ha. Trong số đó, đất nông nghiệp chỉ có 7.800 ha, nhưng các dự án đã quy hoạch và chiếm khoảng 6.500 ha (chiếm trên 44 phần trăm diện tích tự nhiên và trên 70 phần trăm diện tích đất nông nghiệp toàn huyện).
Cũng ông Sen cho biết, Quốc Oai có 21 xã và thị trấn thì đến nay có tới 10 xã, thị trấn cơ bản bị thu hồi hết đất sản xuất để dành cho các dự án gồm thị trấn Quốc Oai, các xã Yên Sơn, Sài Sơn, Phượng Cách, Thạch Thán, Nghĩa Hương, Ngọc Mỹ, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp, Đông Xuân.
“Như xã Đông Xuân mới từ Hòa Bình nhập về Quốc Oai chúng tôi diện tích khoảng 17km2 thì dự án đã thu hồi mất 13km2. Chỉ trừ nơi nhà dân đang ở và mấy mỏm núi không leo lên được thì họ mới chừa lại thôi” - Ông Sen nói.
Theo ông Sen thì Quốc Oai “cơ bản hết đất”. Riêng Tập đoàn Nam Cường xây dựng trục đường bắc - nam Hà Tây cũ dài 63 km, khởi công năm 2008 thu hồi khoảng 3.300 ha đất. Trong đó, tuyến đường này ngốn của Quốc Oai hơn 1.000 ha chạy qua tám xã. Các khu đô thị chạy dọc trục đường nuốt gọn của Quốc Oai trên 1.000 ha, chủ yếu là đất lúa hai vụ.
Vấn đề ở chỗ nhiều dự án quây đất xong rồi để đấy hàng năm trời, không xây dựng, sản xuất kinh doanh gì. Một vị lãnh đạo Huyện Quốc Oai dẫn ra trường hợp Nhà máy Thuốc lá Thăng Long được giao 14,3 ha tại một lô đất cực đẹp ngay sát mặt đường Láng – Hòa Lạc từ tháng 4/2005, đến nay, vẫn chỉ là bãi đất cỏ mọc lút… Một số doanh nghiệp khi lập dự án, thuyết trình rất hay về phương án hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nông dân bị thu hồi nhưng sau đó quên luôn hoặc chỉ làm đại khái.
Ông Bình, Phó Chủ tịch UBND Huyện Quốc Oai, cho biết diện tích canh tác bình quân của huyện chỉ vào khoảng 12 - 13 thước/khẩu. Toàn huyện có 88.600 người trong độ tuổi lao động, trong số đó số người có việc làm khoảng 42.000, chủ yếu làm việc trong các làng nghề. Còn lại 40.000 lao động thuần nông, thiếu việc làm khi nông nhàn và khoảng 5.000 không có việc làm. Trước thực trạng bị thu hồi đất canh tác, nông dân chưa biết sinh sống bằng cách nào.
Ông Sen bộc bạch: “Huyện có nhiều dự án chúng tôi mừng nhưng cũng rất đau đầu về việc nông dân mất đất. Giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động thế nào đây? Chúng tôi mong mỏi cấp trên sớm rà soát lại các dự án trên địa bàn để có quy hoạch tổng thể, như thế sẽ tránh được tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, dự án chồng dự án dẫn đến nhà đầu tư thiệt hại, xã hội thiệt hại mà địa phương lại lúng túng, bị động”.
----------------
(Còn nữa)