Mở đường “cứu” game mobile Việt

TP - Các chuyên gia trong lĩnh vực game chia sẻ, sự kiện Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird nói lên Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển game mobile (game ứng dụng trên di động).
Thành công của game Flappy Bird truyền cảm hứng cho những người làm game trẻ ở Việt Nam Ảnh minh. họa: Hoàng Dương

Tại tọa đàm Game và phát triển ứng dụng trên mobile do Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực game chia sẻ, sự kiện Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird nói lên Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển game mobile (game ứng dụng trên di động). Tuy nhiên, dòng game này đang gặp nhiều rào cản.

Tại tọa đàm, ông Ðinh Quang Huy, đại diện Công ty VTC Online chia sẻ, đơn vị này có hơn 100 nhân sự, đầu tư vào làm game PC (game chơi trên máy tính) gần bốn năm, tiêu tốn khoảng ba triệu USD nhưng doanh thu không có do không cạnh tranh được với Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Huy cho rằng, game mobile Việt Nam thì hoàn toàn cạnh tranh được. Dòng game này có thời gian sản xuất ngắn, dễ mang về lợi nhuận. Không chỉ Nguyễn Hà Đông thành công với Flappy Bird mà nhiều bạn trẻ Việt Nam có thể kiếm tiền với các ứng dụng trên mobile trong thời gian qua.

Ông Trần Tuấn Anh, đại diện Công ty Cổ phần Appota - một đơn vị phát hành game cho biết, rào cản lớn nhất của game moblie là giấy phép. Tất cả game mobile được xếp vào nhóm G1, tức là phải có giấy phép trước khi ra thị trường.

Hiện nay, Việt Nam vẫn áp dụng việc cấp phép game mobile giống như cấp phép game trên PC. Trong khi đó, một doanh nghiệp game chỉ có thể sản xuất 1-2 game PC một năm còn game mobile có thể sản xuất được hàng trăm sản phẩm mỗi năm. Một game mobile chỉ sống được 1-2 tháng, lâu nhất là một năm trong khi để xin được giấy phép có khi mất từ 6-12 tháng. “Game chết rồi thì giấy phép có khi chưa cấp xong”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Minh Ðức, Giám đốc điều hành Công ty Phát hành game di động Wasabi nói: “Ðã và đang có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thuê một bộ phận ở Việt Nam việt hóa game Trung Quốc rồi đưa lên Google Play để thu tiền. 

Các cơ quan quản lý Việt Nam không thể kiểm duyệt được, cũng không thể yêu cầu gỡ game hoặc xử phạt game này, kể cả là game vi phạm những quy định của Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thì phải mất rất nhiều công sức để xin phép phát hành game”.

Các doanh nghiệp cũng đề cập chuyện bản quyền. Theo ông Lương Thanh Bình, Công ty Cổ phần Bill Gate, không chỉ Nguyễn Hà Đông mà bản thân các doanh nghiệp cũng dễ gặp vấn đề pháp lý. Thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam phức tạp, kéo dài.

Ở Mỹ, đăng ký sở hữu trí tuệ chưa đến hai tuần, ở Việt Nam mất 13 tháng. Ðại diện một doanh nghiệp kể, công ty này nộp hồ sơ xin đăng ký bản quyền logo của một sản phẩm game, theo quy định là 15 ngày phải giải quyết xong nhưng giờ đã 6 tháng vẫn chưa có kết quả.

Đề xuất bỏ cấp phép từng game

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực game đề xuất, thay vì cấp phép cho từng sản phẩm game mobile, cơ quan quản lý nên cấp phép cho doanh nghiệp phát hành game. Các doanh nghiệp này sẽ chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng game ra thị trường.

Nếu doanh nghiệp vi phạm thuần phong mỹ tục hay các vấn đề khác thì cơ quan quản lý có quyền rút giấy phép. Ngoài ra, Việt Nam nên xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để người làm game có cơ sở thực hiện.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất thành lập một hiệp hội hay tổ chức có thể đứng ra hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề cạnh tranh, sở hữu trí tuệ khi ra nhập sân chơi quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển game mobile. “Nguyễn Hà Đông có thể làm được Flappy Bird thì tôi tin nhiều bạn trẻ khác cũng sẽ làm được”, ông Tuyên nói.

Hiện Vụ Công nghệ Thông tin đang xây dựng một số văn bản pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm nội dung số ở Việt Nam. Ông Tuyên cho biết sẽ xem xét nghiêm túc ý kiến của những người làm game trong quá trình xây dựng chính sách. 

Khó bán game ra nước ngoài Theo các doanh nghiệp, muốn đưa sản phẩm game hay các ứng dụng trên mobile lên Google Play hay App Store (đơn vị phân phối các ứng dụng mobile trên toàn thế giới) cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải mở tài khoản ở nước ngoài. 

Hai đối tác này hiện không chấp nhận chuyển tiền vào các tài khoản ở Việt Nam. Vì thế, cá nhân, doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn khi phát hành các ứng dụng trên mobile ra thế giới.