Công khai tại cơ quan
Theo Thanh tra Chính phủ, xuất phát từ tầm quan trọng về biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, dự thảo đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới. Dự thảo điều chỉnh rõ ràng hơn theo hướng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đồng thời, bỏ quy định về kê khai hằng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung.
Để khắc phục bệnh hình thức, dự thảo quy định theo hướng, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Bên cạnh đó, dự thảo luật đưa thêm phương án 2, công khai cụ thể theo từng nhóm đối tượng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho rằng, trong quá trình đi kiểm tra một số bản kê khai tài sản, để phân biệt giữa kê khai đúng hay chưa đúng vô cùng khó, nên thường được kết luận kê khai “chưa đầy đủ”. Bà Thủy ví dụ, đối tượng kê khai có 1 tỷ đồng tiết kiệm, sau 10 năm số tiền đó tăng lên 1,1 tỷ, nhưng họ vẫn kê khai 1 tỷ. Chính bởi điều này, đại biểu Thủy đồng tình với việc không kê khai hàng năm, mà chuyển sang kê khai khi có biến động về tài sản.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền, muốn ngăn ngừa được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản. Khó khăn nhất ở nhiều nước trên thế giới vẫn là kiểm soát tài sản. Các nước không có Luật PCTN, nhưng họ có Luật Kiểm soát tài sản. Như vậy chống tham nhũng hiệu quả hơn rất nhiều, vì tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn, nhưng khi di chuyển tải sản sẽ phát hiện ra ngay.
“Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống tham nhũng. Kiểm soát tài sản chính là bảo bối để PCTN”, ông Quyền nhấn mạnh, đồng thời đề nghị phải giao cơ quan tố tụng kiểm tra, xác minh tài sản, chứ không thể giao cho người không có chuyên môn làm việc này. Cũng theo ông Quyền phải quy trách nhiệm cụ thể với cơ quan thanh tra khi vào cuộc nhiều lần mà không phát hiện ra vi phạm, như ở Vinashin, Vinalines trước đây.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cũng cho rằng, chuyển dịch, biến động tài sản phải luôn được cập nhật và nắm bắt rõ. Nếu muốn công khai, minh bạch thì phải có cơ chế quy định bảo đảm cho người dân có quyền của mình. “Muốn người dân có quyền giám sát đối với người kê khai không đúng thì cơ quan đó phải có quy định quyền người dân và nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan. Đây là cơ sở để công chúng giám sát và khi cần thiết thì có thể tố cáo việc kê khai không trung thực”, ông Chiến nói.
Có nên đưa cơ quan Đảng vào luật?
Một trong những điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm là đưa Ủy ban Kiểm tra Đảng vào dự thảo Luật PCTN sửa đổi. Điều 85 dự thảo luật quy định trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với đảng viên có hành vi tham nhũng; Quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai…
Lý giải điều này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, quy định mới này xuất phát từ việc các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời các quy định này cũng căn cứ trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng nêu băn khoăn, liệu đưa Ủy ban Kiểm tra Đảng vào Luật PCTN thì có phù hợp không? Đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng, không nên quy định cơ quan của Đảng vào luật. Nếu quy định sau này Quốc hội giám sát thế nào? Nhiều đại biểu đề nghị, đây là vấn đề hệ trọng, cần phải cân nhắc, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Cùng là cán bộ công chức, người thì xử theo điều lệ Đảng, người xử theo luật là không được, phải bình đẳng như nhau.
Về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy nêu quan điểm, không nên đưa cơ quan Đảng, Ủy ban Kiểm tra vào luật, vì Đảng lãnh đạo toàn diện chứ Đảng không làm thay.
Trước nhiều vấn đề còn tồn tại, nhiều đại biểu dự phiên họp đồng tình với việc tạm dừng, để ban soạn thảo hoàn thiện thêm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, dự thảo luật này được đưa vào chương trình sớm, chứ không phải thiếu thời gian. Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra không có quyền “trả lại”, mà sẽ phải báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem có đủ điều kiện để trình ra Quốc hội không, đồng thời thống nhất sẽ trình Quốc hội 3 kỳ họp.