Ghi danh vào Tủ sách Tinh hoa vốn là việc thường chỉ đến sau khi người ta qua đời. Lần này người bắt buộc phải tự ngưỡng mộ mình qua tấm gương hoài cổ, chính là một nhà văn còn tỉnh táo vui tươi, cầm trong tay hai tập của bộ sách mang tên Oeuvre (Sự nghiệp). Tất cả theo trình tự, trình bày tỉ mỉ với giấy in kinh thánh. Đúng là một lăng mộ. Hoặc nhẹ nhàng hơn: Một tinh tú.
Tủ sách Tinh hoa vốn không phải giải thưởng, mà là quyết định ngặt nghèo của nhà sách Gallimard- một trong những nhà sách lớn nhất nước Pháp, nổi tiếng thế giới. Milan Kundera là nhà văn còn sống duy nhất ghi danh vào Tủ sách Tinh hoa- giới phê bình gọi đùa là nơi không sợ hậu thế lãng quên. Ba nghìn trang sách của Kundera in trên mặt da.
Nhiều nhà phê bình Pháp được dịp bình luận, sự vinh danh này khiến Kundera phải than thở trước dấu hiệu hoàng hôn sắp đến với mình. Tờ Point viết: “Tác giả Sự bất tử có vẻ băn khoăn, bởi vinh dự này có phần giống với đám tang của chính ông. Thực ra, ông thích thú hơn nếu người ta để ông yên thân”.
Oeuvre tập hợp chín tiểu thuyết, các truyện ngắn, một vở kịch và tiểu luận- trong đó có bốn tiểu luận bàn về nghệ thuật tiểu thuyết. Tất cả đều do ông lựa chọn, kiểm duyệt từng trang sách. Kể cả các tác phẩm viết trước năm 1975 viết bằng ngôn ngữ gốc Séc, sau này chính Kundera tự chuyển ngữ sang tiếng Pháp- ngôn ngữ ông chọn để viết tất cả tác phẩm cho tới cuối đời.
Pháp cũng là nơi cư ngụ vĩnh viên của Kundera. Trong tập sách mong chờ này, không hề có trang tiểu sử nào, chỉ có một phần nhỏ Francois Richard viết về sự ra đời của tác phẩm Kundera. Đó cũng là ưu ái lắm rồi.
Không một dòng chú thích nào trong hai tập sách. Chỉ có tác phẩm, lạnh băng như ông quyết định nó phải thế, khó tính, chắt lọc nhất. Tất cả những gì (theo lời Kundera) không “đáng nhớ” đều được loại trừ, bởi không điều gì là quá thận trọng với hậu thế.
Điều này làm người ta liên tưởng đến nhà điêu khắc Michel-Ange khi được hỏi chuẩn bị ngôi mộ cho chính mình thế nào: “Ông làm thế nào?” Trả lời: “Rất đơn giản: tôi dùng một khối đá cẩm thạch và tôi bỏ đi những phần rìa xung quanh”. Kundera cũng vậy, loại bỏ “râu ria” sáu tiểu thuyết, bốn tiểu luận và một vở kịch.
Hơn nữa, ông không chấp nhận xuất bản tiểu sử về mình, thay vào đó là tiểu sử mỗi cuốn sách của ông: Ngữ cảnh, dư luận, dịch, tái dịch. Kundera kiểm soát tất cả.
Từ năm 1984, Milan Kundera muốn vô hình. Ông ghét cay ghét đắng các bức ảnh, các cuộc phỏng vấn, các phòng chụp ảnh và nhất là những điều người ta hiểu không đúng về tác phẩm của ông. Người ta tung hô ông khắp nơi, chỉ phải cái không hề có sự hiện diện của ông.
Kundera ân hận vì đã cho phép chuyển thể điện ảnh tác phẩm Linsoutenable légèreté de lêtre (Đời nhẹ khôn kham), sau đó không bao giờ đồng ý chuyển thể tác phẩm nào của mình nữa.
Hương Liên
Theo Point, Figaro