Miền núi phía Bắc tiếp tục mưa to, khẩn cấp rà soát khu vực nguy cơ sạt lở

TPO - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), từ hôm nay 14/7, khu vực Tây Bắc và trung du Bắc Bộ có nơi mưa to đến rất to. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, từ chiều tối 13/7, vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa biển Đông đã mạnh lên thành ATNĐ

Vào 1h ngày 14/7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ chiều hôm nay 14/7 đến đêm 15/7 có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.

Khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ từ 14/7 đến 18/7 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15- 30mm/24h, cục bộ có nơi trên 80mm/24h tập trung vào chiều tối và đêm.

Từ hôm nay đến 18/7, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to đến rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, các khu đô thị.

Trước diễn biến này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành triển khai nghiêm Công điện số 67 của Thủ tướng.

Các địa phương ven biển cần dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 12-17 từ kinh tuyến 109,5-115.

Các địa phương cần tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Đặc biệt, các địa phương cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Khẩn trương giải phóng hiện trường vụ sạt lở đất Hà Giang

Liên quan đến vụ sạt lở đất đá xảy ra tại Hà Giang, thông tin từ Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia sáng 14/7 cho biết, đến nay lực lượng chức năng đã đưa được 15 nạn nhân ra ngoài và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Trong đó 11 người chết và 4 người bị thương chưa xác định được danh tính cụ thể), còn 1 người mất tích, cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm kiếm.

Sau khi nhận được thông tin, Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp đến hiện trường, đồng thời phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng công an, quân đội, biên phòng của tỉnh Hà Giang và các cơ quan chức năng chỉ đạo công tác khắc phục sự cố.

Các lực lượng chức năng địa phương đã kịp thời huy động tối đa các lực lượng, thiết bị máy móc trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất.

Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia Lê Kim Thành và đoàn công tác đến hỏi thăm nạn nhân vụ sạt lở.

Đoàn công tác đã tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở (mức hỗ trợ 5 triệu/người tử vong, 2 triệu/người bị thương), đồng thời đề nghị tăng cường công tác tìm kiếm nạn nhân còn lại, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân bị thương.

Sau khi kết thúc công tác tìm kiếm cứu nạn, lực lượng chức năng cần khẩn trương giải phóng hiện trường, khắc phục hư hỏng, hướng dẫn tổ chức giao thông để kịp thời thông xe trong thời gian sớm nhất, đồng thời khẩn trương rà soát các điểm có nguy cơ cao sạt lở trong thời gian tới để có cảnh báo và có giải pháp khắc phục phù hợp đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ.