Kỳ 1: Chăm dạy thêm, nghiện shopping đều... nhập viện
Chăm chỉ quá hóa... tâm thần
Khi chúng tôi đang trao đổi với bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng T4 (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) thì có tiếng gõ cửa. Một thanh niên chậm chạp bước vào. Anh khoảng 30 tuổi, da xanh tái, gương mặt đờ đẫn tiến lại phía bàn làm việc của bác sỹ, thều thào: “Đến tháng 8 em phải đi dạy học rồi nên muốn xin về. Đầu óc em bây giờ không đau như trước nữa…”.
BS Dũng khuyên: “Anh là giáo viên, khi đứng trên bục giảng cần giữ tư thế của mình. Bây giờ cảm xúc, hành vi của anh chưa ổn định, thà mất một thời gian nữa để trở lại bình thường rồi tiếp tục giảng dạy cũng chưa muộn, còn hơn đang lờ đờ thế này mà đứng trên bục giảng thì không những hỏng anh mà còn hỏng cả học sinh. Anh nên điều trị thêm cho ổn định”.
Sau khi gặng hỏi, thấy BS Dũng nói cần điều trị thêm 4 tuần nữa, giáo viên này gật gù nhẩm tính, có lẽ thấy vẫn kịp dịp khai giảng năm học mới nên an tâm ra khỏi phòng.
BS Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Anh ấy là giáo viên giỏi, đông học sinh đến xin học phụ đạo. Thầy đã không kể ngày đêm giảng dạy và hướng dẫn, quên đi sự chăm sóc cho cơ thể của mình, ăn uống qua loa. Dần dần sức khỏe suy nhược, cơ thể rối loạn các chu trình sinh học, mất ăn mất ngủ, tính tình thay đổi cáu giận vô cớ, tự cho rằng mình là người tài giỏi, làm được mọi thứ, nên thích nói suốt ngày, muốn giảng dạy chỉ bảo cho người khác suốt ngày”.
Hiện phòng T4 có 4 bệnh nhân là giáo viên đang điều trị triệu chứng rối loạn cảm xúc. Trong đó, có bệnh nhân nữ tên Thanh bị trầm cảm nhưng vẫn cố đi dạy nên bị suy nhược cơ thể, xuất hiện chứng đau ngực, đau tim, tá tràng, đại tràng. Khi người nhà đưa vào viện, cô giáo Thanh còn bảo có bị tâm thần đâu mà đưa vào đây, sau khi điều trị 2-3 tuần mới
tạm ổn.
BS Dũng nói: “Lâu nay chỉ thấy học sinh phải học quá tải, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí bị bệnh. Giáo viên trầm cảm vì dạy quá nhiều thì chưa thấy đề cập.Với sức ép của dạy và học triền miên như hiện nay, không chỉ học sinh mà giờ đây cả thầy cô giáo cũng phải điều trị vì tâm thần
bất ổn”.
Hôm sau, chúng tôi đến tìm nam bệnh nhân từng gặp tại phòng BS Dũng bữa trước, cùng lúc mẹ anh đến thăm. Anh tên Toán, giáo viên một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội. Sau khi đi bộ trong khuôn viên dành cho bệnh nhân, Toán ngồi xuống ghế đá, bộc bạch: “Tôi dạy thêm khá nhiều, ban đầu thấy sức khỏe vẫn bình thường. Bỗng một hôm tôi thấy đầu ong ong bởi những ảo giác, rồi thường xuyên thấy nhiều người đứng ở trước mặt mình, dù vẫn ý thức được thực ra không có ai cả. Từ đó tôi thường bị đau đầu, nhiều tối không ngủ được”.
Bà mẹ của thầy Toán trông vẻ khắc khổ, ngồi cạnh tiếp lời: “Có thời gian, Toán phải nghỉ dạy 3 tháng để đi chữa bệnh. Khi đó tôi đã nghĩ em nó vừa dạy chính khoá, vừa dạy thêm nên căng thẳng quá mới đổ bệnh. Trước đó, vào một số buổi tối, Toán đã có cảm giác sợ sệt nên bật tất cả bóng đèn, quạt, ti vi suốt đêm mà không cho ai tắt...”.
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, có bệnh nhân bị trầm cảm do áp lực giảng dạy, cộng thêm cú sốc về tình cảm. Bệnh nhân nữ tên Loan, giáo viên ở một tỉnh miền núi phía Bắc, khi phát hiện chồng (cũng là giáo viên) ngoại tình thì thời gian sau cô bắt đầu bị trầm cảm, hỏi không nói, gọi không thưa, ăn uống thất thường, người gầy sọp…
Khi cô Loan phải nghỉ dạy, người chồng tỏ ra ân hận đã đưa vợ xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị. Dù cách Hà Nội vài trăm cây số nhưng tuần nào anh cũng xuống viện thăm vợ, mỗi tháng lại đưa các con tới thăm mẹ một lần.
BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Xuân - Trưởng khoa 3 (Khoa Nữ bán cấp tính và Tâm thần nhi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) cho biết: Đối với người phụ nữ nghiêm túc thì việc bị chồng phản bội là rất nặng nề, sang chấn tâm lý lớn. Sau 3 tháng điều trị, cô giáo Loan đã ra viện, nhưng vẫn ít nói, chưa trở lại bình thường như trước.
BS Nguyễn Thanh Xuân giải thích: “Để phòng chống các bệnh liên quan rối loạn cảm xúc cần phải vệ sinh tâm thần, tức là phải có môi trường tâm lý lành mạnh. Cuộc sống bây giờ quá nhiều áp lực, đi làm đã quá căng thẳng nên gia đình là nơi thư giãn để lấy lại thăng bằng. Nhưng khi tổ ấm nhiễm lạnh hoặc gặp những chuyện bất thường trong gia đình dễ gây sang chấn tâm lý cho một số đối tượng, dẫn đến họ bị mắc bệnh tâm thần”.
Mua cả ngàn quần lót đút tủ
Trong số bệnh nhân điều trị ở Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, có những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần do... nghiện mua sắm (shopping). Bà Thanh (hơn 50 tuổi, trú tại Hà Nội) là vợ một quan chức, kinh tế gia đình khá giả. Chồng thường đi công tác xa liên miên, ở nhà bà kinh doanh bất động sản và lúc căng thẳng lại đi shopping cho đỡ buồn.
Lúc đầu, bà mua những đồ lặt vặt, dần thành thích mua sắm và chỉ xài hàng đắt tiền. Mỗi lần đi shopping về mà không mua được gì thì bà như người mất hồn. Đến khi người nhà thấy bà suốt ngày chỉ đi mua sắm, thuộc các cửa hàng shopping hơn giá bất động sản thì mới chú tâm theo dõi.
Cuối cùng, họ phát hiện một căn phòng lâu nay vẫn khoá kín được người phụ nữ này dùng làm nơi chứa đồ shopping. Toàn là hàng hiệu, chỉ riêng quần lót đã có tới nghìn chiếc. Khuyên bảo không được, gia đình đưa bà vào viện điều trị.
Chị Liên một bệnh nhân người Hải Phòng cũng trắng tay do nghiện mua sắm. Khi chồng đi nước ngoài gửi tiền về, vợ ở nhà bắt đầu mua sắm. Ban đầu chị nghĩ mình không trang điểm, không ăn mặc đẹp, chồng về thấy vợ xấu xí sẽ bỏ nên tích cực đầu tư thời gian và tiền bạc cho chuyện sắm đồ.
Không chỉ sắm đồ cho mình, cho con, chị còn mua những đồ mà mình thích để tặng anh em, họ hàng, bạn bè mỗi khi họ đến nhà chơi. Hết tiền, chị đi vay tiền, cắm cả sổ đỏ để tiếp tục mua sắm và cứ nghĩ chồng đi nước ngoài về có rất nhiều tiền sẽ trang trải hết cả. Đến khi chồng về không có khả năng trả nợ, ngân hàng tịch biên nhà khiến hai vợ chồng phải dựng tạm túp lều để ở.
Đàn ông cũng có những người nghiện mua sắm. Minh (trú tại Hà Nội), khi đang học đại học phải nghỉ một năm để điều trị tâm thần do bị hội chứng hưng cảm. Gia đình Minh thuộc diện khá giả, nên cậu ta càng có cơ hội thể hiện sở thích mua sắm đồ, hôm nào hết tiền là tỏ ra bực tức, cáu giận.
Bệnh nhân này mua sắm từ những gói tăm, cái kim với số lượng lớn; còn quần áo thì chứa đầy 3 chiếc tủ to. Minh có thể nhớ rõ tất cả những thứ mình mua ở đâu, luôn tỏ ra khoái trá khi biết mình mua đồ rẻ hơn người khác, dù không đáng bao nhiêu.
Theo BS Nguyễn Văn Dũng, có hai lý do dẫn đến bệnh nghiện mua sắm. Thứ nhất do điều kiện kinh tế tạo nên thói quen, sau đó dẫn đến lạm dụng việc mua sắm. Thứ hai là hội chứng hưng cảm, khiến bệnh nhân rất thích thể hiện hành vi của mình bằng cách liên tục đi mua sắm, tìm tòi những cái mới, khác lạ với mọi người. Những người có hoàn cảnh khó khăn cũng thích mua cái này bỏ cái kia, thậm chí, có lúc đến các cửa hàng chỉ để ngửi mùi, nếu không đi không chịu được.
Đối với những trường hợp hưng cảm, nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, có sự tư vấn của bác sỹ và biện pháp chữa bệnh hợp lý thì không dẫn đến bệnh nặng.
Kỳ 2: Nhập viện vì nghiện sex
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi