Từ lá đơn “kêu cứu khẩn cấp”

"Mẹ" của Khăm Bun

TP - Sáng Chủ nhật 17/5 là một buổi sáng đặc biệt ở khu vực xiếc thú, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Voi Khăm Bun lên sàn mổ. Đông người vây quanh, voi con tỏ ra lạ lẫm.

Hai thanh niên siết sợi thừng to, cố định chân. Y tá xịt rửa vết thương, chuẩn bị gây mê. Hoảng hốt, Bun bĩnh ra một bãi. Thầy thuốc Khăm Phết Lào giải thích: Voi khi sợ thì cũng như người.

Một ngày của “mẹ Hà” và “con Bun” ở rạp xiếc phố Trần Nhân Tông, Hà Nội

Nghe tôi kể vài chi tiết của cuộc phẫu thuật, Nguyễn Thị Thanh Hà (người tình nguyện chăm sóc voi Khăm Bun) lại mắt mũi ầng ậng, nhưng rồi thở phào.

Từ lá đơn “kêu cứu khẩn cấp”

Một ngày tháng Năm, tòa soạn nhận được lá thư lạ lùng: “Đơn kêu cứu khẩn cấp cho chú voi con”. Cuối thư in đậm: Hãy giúp Khăm Bun để nhiều người biết đến nó. Giúp nó và cứu lấy nó.

Trong đơn, Thanh Hà  trình bày:

“Tháng 6/2007, tôi xem trên VTV1 bộ phim tài liệu “Ký sự Đăk Lăk” của đạo diễn Trần Tuấn Hiệp. Trong phim có chú voi con bị xiềng, bị thương. Tôi thương quá nên liên hệ với đài truyền hình, được biết Khăm Bun đang ở xã K’rông Na, Buôn Đôn.

Đến tháng 7/2007, Khăm Bun được đưa ra Hà Nội. Chú voi con là quà của Thủ tướng tặng Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Tôi xin phép Liên đoàn Xiếc hàng ngày đến thăm, chăm sóc Khăm Bun... Tôi xót thương Khăm Bun vì nó phải chịu những cơn đau hành hạ. Những ngày này Khăm Bun bỏ ăn, chân phù to, sẽ chết nếu không được cấp cứu giải phẫu... Xin công luận hãy để đông đảo mọi người biết tin về chú voi con này, may ra có ai biết nơi nào chữa được cho Khăm Bun...”.

Trong vòng hai tuần, Khăm Bun trở nên nổi tiếng. Trước và sau sự kiện mổ chân của Bun, không chỉ cư dân khu vực đoàn xiếc cứ gặp chị Hà và nhà báo lại bảo: Con voi này may thật. Lẽ ra nó có thể chung số phận với bốn con trước (đã chết ở đây)...

Có người hỏi: “Nếu con voi không phải là món quà của Thủ tướng thì sao?”. Suốt hai năm Khăm Bun đau ốm, mấy ai biết dù nó vẫn đang là món quà. Với chúng tôi, lá đơn thống thiết và câu chuyện buồn vui của người đàn bà chợ Mơ đủ để vào cuộc và rồi hiểu rằng mình đã đúng.

Đến cô Voi, thằng Bun

Cô Voi là tên bà con tiểu thương quen biết gọi chị Hà, người đàn bà ngoài 50 tuổi nom sinh động tháo vát.

Lúc đầu là cô nuôi voi (ghi trong hóa đơn bán gạo cho dễ nhớ). Sau thì cô Voi, Hà Voi.

Nguyễn Thị Thanh Hà khẳng định, định mệnh của chị là gặp Khăm Bun để rồi gắn bó với chú voi này “mãi mãi”.

Từ chú voi rừng Tây Nguyên (sản phẩm của một cuộc săn bắt trái phép), Khăm Bun về sống kiếp voi vườn ở Vườn thú Hà Nội, rồi định cư ở rạp xiếc. Hai năm chưa ra sàn diễn ngày nào bởi sức khỏe đâu cho phép. Bun bé nhỏ nhất (chưa quá bốn tuổi) trong năm con ở rạp xiếc. Tuổi của voi được tính như người, 15- 17 mới được coi là trai tráng.

Chị Hà kể: “Tôi xem Ký sự Đăk Lăk thấy ông Ama Bích (người săn được Khăm Bun) vung dùi sắt còn thằng bé bị xích, nó bước đi trông hiền như con trâu, buồn, mắt có nước. Tôi điện thoại ngay cho Ama Bích, bảo tôi sẽ hỗ trợ tài chính cho anh, chờ tôi bay vào Tây Nguyên thăm nó dù tôi chưa đi máy bay bao giờ. Một ngày  kia ông ấy gọi ra bảo: Cô Hà ơi, không phải vào nữa đâu. Con Bun nó sắp ra với cô Hà rồi”.

“Hà Trắng chợ Mơ” thời trẻ

Gần hai năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa ở khu xiếc thú là cảnh hai người đàn bà một trẻ một đứng tuổi- đến bằng hai xe máy, bốc dỡ nào dưa hấu, cơm, mía...

Xông vào chuồng bón cho voi nhỏ, sẻ thức ăn cho voi lớn. Vỗ vỗ về về, nựng nựng nịu nịu. Tự tay dọn hót từng bãi phân.

Nhớ hôm đứng bên chuồng voi chờ xem mổ. Khăm Bun trong đặc tả của chuyên gia Khăm Phết Lào và trợ lý của ông, là một chú voi đẹp: “Dáng cân đối, đầu tròn, vai nở, lưng cong. Cằm cũng đẹp. Giá đuôi dài thêm 25 phân thì hoàn hảo”.

Thế nhưng mùi của chú cũng... hoành tráng lắm, cộng hưởng với mấy cô, cậu đồng loại. Khiến thỉnh thoảng phải dạt ra xa. Nhưng với “mẹ Hà” thì nào có hề hấn gì.

“Có ngày nó đau, bỏ ăn, chẳng có bãi phân nào. Tôi xót quá. Tôi biết ơn bác sĩ Đăng (bác sĩ thú y của Liên đoàn Xiếc) và ông Hợp (Giám đốc LĐX) mở đường cho tôi vào đây.

Khi Bun đau nặng, Đăng nói sẽ chữa quyết liệt, nó sẽ lành. Nhưng nhiều lần cậu Tiến (nài voi) bảo “Cô Hà ơi con Bun nặng lắm rồi. Nhiều lúc cháu dẫn nó đi mà mủ ở chân nó cứ lép bép, cháu tưởng là bùn”.

Đăng là bác sĩ chữa bệnh cho các con thú nhưng không có chuyên môn chữa voi. Khi Bun bệnh nặng, tôi nài Đăng hãy mở cửa, thông báo rộng để cứu nó. Rồi tôi nghĩ, báo chí phải vào cuộc mới xong”.

“Trông chị yếu ớt nhỏ nhắn thế, sức đâu, trời đày hay sao?”. “Tôi bị tai nạn xe máy ở vai nên trái gió trở trời là đau. Bác sĩ dặn kiêng mang vác nặng. Nhưng thức ăn cho voi thì ít thế nào được. Mệt nhưng mỗi sáng dậy, người chưa ăn đã lo cho voi. Nắm cơm, chặt mía, bày biện các thứ là khỏe hẳn, đi lại thoăn thoắt.

Có hôm đặt quả dưa hấu lên bàn thờ mẹ, chưa kịp thắp hương đành vái mẹ tha lỗi rồi ôm dưa lên đường kẻo muộn. 11h00 đêm trước khi ngủ, tôi cắm nồi cơm điện. Năm rưỡi dậy nắm rồi tẩm đường, thêm ít muối. Sáu rưỡi là phải có mặt chứ đến muộn, đông người là cu cậu không thích đâu”.

Hỏi khẩu phần của chú bé 900 cân thế nào, chị đáp như người Tây Nguyên Khăm Phết Lào: “Voi thì bao nhiêu chả hết! Nhưng cậu này kén ăn. Rạp xiếc cho ngày ba bữa, có cỏ, ngô, khoai. Tôi phải bổ sung chứ. Dưa hấu mấy quả cũng hết. Mía năm bó/ngày. Bánh mì hai chục chiếc không ăn thua, năm chục hết veo. Dưa hấu tôi mua ở chợ đầu mối Long Biên đỡ đắt. Dưa miền Nam 12.000 đồng/kg, tôi mua dưa miền Bắc nhạt hơn và không đỏ bằng, chỉ 7.000 đồng/kg.

Ngày nào bánh mì thì thôi cơm. Gạo tạp giao hơi rời rạc, ông ấy thích ăn gạo tám Điện Biên hơn. Thường tôi cứ mua một mã 50 cân. Có hàng nộm đu đủ ở chợ đầu mối Đền Lừ, quả chín không dùng được họ cho mình hết, ngày một yến, ngày hai yến. Ít cũng dăm cân. Tôi đưa 300 ngàn đồng/tháng bảo em cầm tạm, tính ra 10 ngàn đồng/ngày đỡ thiệt. Nhưng họ không nhận, bảo cho voi chứ có phải ai đâu”.

“Khi cho ăn, chị nói chuyện gì với Bun?”. “Nói và nựng, cả hôn hít nữa. Bảo ăn đi, có đau không, con ngoan, mẹ yêu con, ai mà bỏ bê hành hạ con là mẹ ghét. Bun không chỉ đẹp mà rất thông minh. Cậu này mà thả ra là cũng hỏng đây, hiện đại lắm, ăn chơi lắm, thích toàn thứ ngon như sô cô la, bánh ga tô. Mà bắt nạt mẹ như điên. Hôm nào không ngon miệng là vung vòi dọa, trêu, hất cỏ vào đầu. Đến muộn là dỗi, gào.

Bun ăn hết thì tôi mới yên tâm về. Có hôm con Đô bên cạnh ăn cắp sạch, không còn tí gì cho thằng bé. Con Đô bị nấm, tội nghiệp. Tôi cũng cho con Nu con Na con Bông ăn. Nếu chỉ mình Bun thì khỏe, đằng này cả bốn con kia. Chúng nó cứ chìa vòi xin, thương lắm”.

Chuyện đời

Chồng mất sớm, chị Hà nuôi hai con trai. Năm 38 tuổi, chị bị y sĩ phòng khám Mai Hương tiêm một mũi nhầm thuốc khiến cơ thể thay đổi hoàn toàn. Một số tờ báo vào cuộc bênh vực (năm 1992) nhưng không ăn thua. Từ một phụ nữ xinh đẹp khỏe mạnh yêu đời, biệt hiệu Hà Trắng chợ Mơ vì nước da trắng như ngó cần, chị trở nên khốn khổ, có lúc tưởng như tuyệt vọng.

Bao nhiêu tiền dốc ra chữa bệnh hết. Chị bán bánh kẹo ở chợ Mơ- “cũng nổi tiếng phết đấy”, nuôi chó. Rồi chị phát hiện mình có thể buôn đất đai nhà cửa sau khi bán được căn buồng đầu tiên có lãi. Cứ như vậy chị cùng cậu cả- tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, mua đất rẻ, xây và bán. Thì bây giờ mới có tiền để lo cho “Bun bé bỏng, thông minh, đẹp đẽ”.

Đi cùng chị thường có một phụ nữ trẻ xinh đẹp. Ra đó là Ngọc, con dâu và trợ lý đắc lực của chị. Hỏi, người nhà không thấy hành động của chị là kỳ cục sao, và chị có tự thấy mình thật lạ lùng, chị cười rũ: “Cả nhà xác định tôi điên vì thằng bé này rồi! Hiệp, thằng con lớn cằn nhằn: “Nhà bao nhiêu việc! Người ta xây một nhà đã đủ chết. Đằng này, mấy cái một lúc mà mẹ cứ voi, voi. Suốt ngày bày biện la hà la hán! Thà mẹ cho nó tháng mấy triệu, khỏe hơn”. Tôi vằn mắt bảo, cấm đứa nào động đến voi. Tao bây giờ chỉ có niềm vui đó thôi”.

Nói vậy chứ dần dần các con chị cũng yêu và quan tâm Bun lắm. Cũng lây tình thương động vật của chị. Năm ngoái xem phóng sự truyền hình về vụ nấu cao hổ, ba mẹ con thuê ngay xe lên Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã ở Sóc Sơn thăm hai con hổ sống sót, thăm đến ba lần.

Có lần Hiệp đèo mẹ có việc, đang đi chị nhảy phắt khỏi xe máy, văng tục, xỉa vào một thằng đang đánh con chó chí chết: “Từ nay còn đánh bất cứ con vật nào, nhất là con chó này, tao cho con tao tẩn nhừ xương”. Thằng kia xanh mắt. Sau chị gặp lại khi thuê làm cửa, hóa ra là chủ hàng cửa sắt. Nó kể, từ ngày ấy, không dám đánh chó cũng không ăn thịt chó.

Bây giờ chị không ăn thịt bê, bò, ngựa, trâu. “Hồi xưa thì cũng xơi hết đấy”. Rỗi rãi là bật ti vi xem chương trình thế giới động vật, để rồi “khéo dư nước mắt” cho những con cá voi, gấu rừng, voi rừng ở tận đâu đâu.

Hồi trước, nghe kể có người giàu mà không để tài sản cho con, lại đi để cho người lạ và con vật, chị nghĩ, có mà điên. Thì bây giờ đến lượt mình. Chị tiết lộ đã để cho Bun một số tiền, định gửi ngân hàng để hàng tháng người ta lấy lãi chăm sóc Bun phòng khi chị “có chuyện”. Con chị bảo mẹ muốn làm gì thì làm, cho nó bao nhiêu thì cho.

Đi đâu cũng thủ ảnh voi con bên mình. Ai xem ảnh, biết chuyện cũng thương con voi non. “Nhiều người tốt lắm. Biết mình cho voi ăn người ta không lấy lãi mấy đâu. Như cô Hà ở cửa hàng bánh mì 306 Minh Khai, bánh mì mới ra lò nóng hôi hổi, bán hai nghìn đồng thì chỉ lấy mình nghìn hai, bánh nguội một nghìn. Gạo tạp giao cô Tuyết ở phố Tam Trinh bán cho người khác 70, mình chỉ 65. Mía cũng thế. Dạo này mía đắt nên chỉ mua mía cỏ”.

Điều mà chị lo lắng suốt năm qua, tạm thời không xảy ra: Khăm Bun có thể bị cưa chân, phải đi Thái Lan chữa (chị nghe nói Việt Nam chưa có kỹ thuật cưa chân voi). Những ngày ấy, chị khóc hết nước mắt. Hôm viết thư “kêu cứu khẩn cấp” xong ra hàng đánh máy, vừa đọc cho người ta đánh máy vừa khóc ròng, mãi mới xong lá đơn ngắn.

Sau loạt bài về số phận Khăm Bun trên Tiền Phong, chị khoe, người của Văn phòng Chính phủ gọi điện bảo từ nay có sự gì thì thông báo ngay, họ rất quan tâm.

“Bun thay đổi cuộc sống của tôi, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể cho nó”. Mẹ của Khăm Bun đúng là một phụ nữ giòn cười tươi khóc. “Đa dạng” như chị tự nhận. Hóa ra đời còn lắm người kỳ cục đâu chỉ Hà Voi- chuyện này kể sau. Riêng chị Hà ngày càng vỡ nhẽ ra rằng có Khăm Bun và nhất là, sau cuộc kêu cứu, chị có thêm niềm vui, bất ngờ, được nhiều người quí, muốn góp sức.