Từ năm 2013, mô hình máy tập thể dục kết hợp lọc nước hồ đã được lắp đặt thí điểm tại bốn hồ ở Hà Nội là: Ngọc Khánh, Nam Đồng, Hai Bà Trưng, Thanh Nhàn. Nhưng thực tế không đem lại hiệu quả như sự kỳ vọng ban đầu, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây mất vệ sinh môi trường, có nguy cơ trở thành ổ dịch sốt xuất huyết.
Thiết bị này gồm hai bộ phận, máy tập thể dục và bộ phận bể lọc nước, khi người tập thể dục sẽ khiến máy bơm hoạt động, bơm nước từ hồ lên bể lọc nước.
Ghi nhận buổi sáng tại hồ Thanh Nhàn (ngõ 281 Trần Khát Chân) - nơi đặt 2 xe đạp lọc nước được khoảng 3 năm nay, ông Đỗ Đình Tùng (50 tuổi) cho biết, xe đạp nước gỉ sét, đạp nặng nên ít ai sử dụng, người dân chủ yếu tập thể dục quanh kè hồ. “Còn hệ thống bơm, bể lọc nước đã hỏng từ rất lâu, tiện người ta lấy hộp sắt này thành nơi hóa vàng”, ông Tùng nói.
Tại hồ Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân), chỉ còn 2 chiếc máy tập gỉ sét bên bờ hồ. Một người dân tại đây cho biết, ban đầu máy mới mọi người ra đứng xếp hàng tập thể dục. Tuy nhiên ngay sau khi lắp đặt khoảng 1- 2 tháng, máy tập đã bị hỏng. Cũng có người đến sửa nhưng chỉ sau vài tuần lại hỏng tiếp, dần dần không ai quan tâm đến máy tập nữa. Tại hồ Hai Bà Trưng, để tránh tình trạng nước đọng phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết, bể lọc đã được hàn kín, toàn bộ ống dẫn nước được tháo ra. Người dân tại đây kiến nghị, nên sớm bỏ đống sắt phế liệu đi để lối đi cho người đi bộ.
Ðịa phương xin trả máy tập
Mặc dù kết quả thí điểm tại 4 hồ trên địa bàn còn nhiều hạn chế, thế nhưng giữa tháng 12/2017, hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) lại được tài trợ lắp đặt 3 bộ máy gồm 6 xe đạp lọc nước. Đến thời điểm này, hơn nửa máy đạp xe đã không thể lọc nước, các thiết bị trên xe cũng bị hư hỏng: Yên xe bị tháo rời, có chiếc bị rút tay nắm để đạp xe… Trong 6 chiếc xe đạp lọc nước thì có tới một nửa đã hỏng hóc, không thể sử dụng được nữa. Chưa hết, cây dại mọc um tùm, rác vứt bừa bãi ngay phía trong các bể lọc nước. Nếu không được sửa chữa kịp thời, chắc chắn những chiếc xe đạp lọc nước này sẽ sớm trở thành đống phế liệu. Bên cạnh đó, những bể lọc không được dọn dẹp gây mất vệ sinh môi trường. Cùng ý thức kém, bể lọc trở thành thùng chứa rác, nước đọng, ruồi muỗi nhiều khiến người dân lo lắng nơi tập thể thao trở thành ổ dịch sốt xuất huyết.
Trước đó, vào năm 2016 báo Tiền Phong cũng đã có phản ánh về thực trạng hoạt động của các máy tập tại 4 hồ nói trên, đồng thời cảnh báo về nguy cơ những chiếc máy tập sẽ trở thành phế thải tại các hồ. Thực tế, đến nay máy tập ở các hồ đang bị “bỏ quên” trách nhiệm bởi các bên liên quan. Trao đổi với PV, đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội (đơn vị trước đây được giao nhiệm vụ thí điểm mô hình máy tập tại bốn hồ Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng và Thanh Nhàn) cho biết, đơn vị đã sáp nhập vào Quỹ đầu tư phát triển Thủ đô (HNIF), trước khi sáp nhập, Quỹ đã bàn giao việc quản lý máy tập cho địa phương.
Trong khi đó, đại diện UBND phường Thanh Nhàn khẳng định: “Chưa hề có văn bản nào liên quan đến việc bàn giao quản lý máy tập lọc nước hồ”. Vì máy tập nằm trên địa bàn phường nên phường vẫn bỏ kinh phí để bảo dưỡng nhưng chỉ ở mức giới hạn: phun sơn, lau dầu… còn về các kỹ thuật lọc nước thì phải có đơn vị chuyên môn xử lý. Còn phường Đồng Nhân đã có kiến nghị trao trả lại máy tập vì nhiều người dân yêu cầu di dời trả lại cảnh quan cho hồ.
Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, máy tập lọc nước chỉ phù hợp với những hồ nước sạch. Bởi thực tế có chục máy tập cùng hoạt động thì cũng gần như không có tác dụng lọc so với lượng nước hồ. Do đó cần có phương án cải tạo hồ sạch trước khi đưa những máy tập vào, bên cạnh đó cũng cần có phương án bảo trì, bảo dưỡng lâu dài để tăng hiệu quả thực chất.