Cục Hàng không cho hay, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 42 sự cố, giảm nhẹ 4,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, có 5 sự cố uy hiếp an toàn mức cao (mức C) và đều do lỗi con người.
Một vấn đề được Cục Hàng không chỉ rõ là tình trạng xâm nhập khu bay của động vật nuôi trong các sân bay.
Chẳng hạn, cuối tháng 2 vừa qua, nhân viên an ninh hàng không Sân bay Điện Biên đã phát hiện một con chó chạy trên đường băng. Đáng nói là, sự việc xảy ra khi máy bay đang vào tiếp cận hạ cánh. Phi công sau đó đã phải bay lại vòng 2 và hạ cánh muộn 15 phút so với kế hoạch.
Mới đây, tại Sân bay quốc tế Cát Bi, lực lượng chức năng cũng phát hiện tới 6 vụ việc vật nuôi xâm nhập vào khu bay, gây uy hiếp an toàn cho hoạt động bay.
Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện có chó chạy vào khu bay. Nhiều trường hợp tổ lái phát hiện chó chạy trên đường lăn, sân đỗ. Được biết, một tàu bay của Jetstar Pacific đã phải bay vòng và hạ cánh an toàn sau đó.
Khắc phục tình trạng này, Cục Hàng không đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cảng vụ hàng không, sân bay tiến hành kiểm tra việc nuôi thả động vật tại các sân bay.
Động vật ngoại lai là một mối nguy hại, đe doạ nghiêm trọng đến an ninh hàng không. Với việc di chuyển tốc độ cao, việc gặp các chướng ngại vật như động vật sẽ gây chấn động lớn cho tàu bay. Ngành hàng không Việt Nam cũng chứng kiến nhiều trường hợp máy bay bị móp, rách chỉ vì va phải chim trong quá trình hoạt động.
Cục Hàng không cho hay, trong 7 tháng đầu năm, có tới 219 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Các hành vi điển hình ảnh hưởng tới an toàn bay được Cục Hàng không chỉ rõ gồm: Hãng hàng không không thực hiện chương trình bảo dưỡng đã được phê duyệt; Hành khách không tuân thủ hướng dẫn của thành viên tổ bay, sử dụng thiết bị điện tử, thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép; Hút thuốc lá trên tàu bay. Đặc biệt, có trường hợp tổ lái có nồng độ cồn trong hơi thở khi thực hiện nhiệm vụ.