Mất trộm thiết bị tại nhiều công trình giao thông: Hiểm họa khôn lường

TP - Những công trình giao thông quan trọng ở TPHCM như đường dẫn vào cao tốc, cầu Ba Son, Xa lộ Hà Nội... có lượng phương tiện lưu thông đông đúc vừa qua liên tiếp mất trộm thiết bị phục vụ vận hành như dải phân cách, nắp cống, cáp điện trụ đèn chiếu sáng...nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Không cánh mà bay

Sáng 7/11, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, đoạn đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 4 km có khoảng 15 vị trí dải phân cách bị mất trộm. Nhiều vị trí chỉ còn trơ trọi ốc sắt. Các dải phân cách này được lắp từ nhiều trụ chữ T, ống thép và dán phản quang có chức năng ngăn giữa làn xe máy và ôtô.

Đoạn dải phân cách đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bị mất trộm (ảnh lớn); Nhiều vị trí chỉ còn trơ trọi ốc sắt do trụ, ống thép trên đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây bị mất trộm (ảnh nhỏ). Ảnh: Trần Long

Đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, từ cuối tháng 10, nhân viên tuần tra của đơn vị phát hiện sự việc và đã trình báo cơ quan chức năng. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, các vị trí dải phân cách bị mất trộm đã được lắp đặt lại. Khi PV Tiền Phong đặt câu hỏi về trách nhiệm bảo quản, những bất cập, khó khăn trong quản lý tài sản công trên công trình này, một lãnh đạo VEC E từ chối trả lời với lý do vị trí mất cắp thuộc quyền quản lý của Sở GTVT TPHCM.

Cũng theo ghi nhận của PV, tại các công trình giao thông trọng điểm ở TPHCM, tình trạng mất trộm thiết bị diễn ra liên tục trong thời gian gần đây. Có những vụ việc, kẻ gian đã bị xử lý hình sự nhưng tài sản công trên nhiều công trình vẫn “không cánh mà bay”. Cuối tháng 9/2023, khi vừa thông xe được khoảng 10 ngày, hàng loạt trụ đèn chiếu sáng trên đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây bị kẻ gian cạy nắp, cắt lấy dây điện. Tháng 5, hơn 200 nắp cống ở Xa lộ Hà Nội bị đập phá lấy cốt thép bán phế liệu. Năm 2022, hàng chục nắp cống tại cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son, nối quận 1 với TP Thủ Đức) và một số tuyến đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng bị lấy trộm.

PSG.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức (TPHCM), đánh giá việc mất cắp tài sản công đang là vấn nạn hiện nay tại các đô thị lớn. “Mỗi thiết bị khi được thiết kế đều có chức năng nhất định nên một khi bị mất cắp thì việc tham gia giao thông của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như thanh barie có nhiệm vụ cắt ngang giữa đường sắt với đường bộ, nếu chúng mất đi thì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông, thậm chí chết người”, ông Tuấn nói.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng, ngoài nguy cơ gây mất an toàn giao thông, các vụ trộm cắp thiết bị tại các công trình giao thông đã xâm phạm đến quyền sở hữu và gây thất thoát về tài sản của các đơn vị chủ đầu tư, quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, việc mất trộm còn gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội khiến cho nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.

Mất nhiều, xử lý ít

Theo luật sư Lê Trung Phát, xâm phạm quyền sở hữu không quy định tài sản công hay sở hữu cá nhân. Người phạm tội có thể bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự, tuỳ theo mức độ vi phạm. Những quy định của pháp luật được đề cập cụ thể và đủ sức răn đe nhưng các vụ bắt được thủ phạm và khởi tố vụ án còn ít do kẻ gian thường lên phương án cẩn thận, lựa chọn gây án ở những địa điểm ít người qua lại, góc khuất camera hay nơi không đặt camera nên ít bị phát hiện.

Chuyên gia luật còn chỉ ra một nghịch lý xảy ra trên thực tế. Trang thiết bị mất trộm có giá trị cao nhưng kẻ gian thường tẩu tán bằng cách bán phế liệu với giá rất rẻ. Như trường hợp Nguyễn Văn Thái (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) lấy trộm 32 song chắn rác trị giá hơn 11 triệu đồng và 12 nắp chắn rác trị giá hơn 4,1 triệu đồng trên cầu Thủ Thiêm 2 nhưng chỉ bán phế liệu với giá 1,1 triệu đồng. Đối tượng này đã bị xử phạt 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản và buộc bồi thường 15,2 triệu đồng.

“Các thiết bị mất trộm như nắm cống, nắp chắn rác... thường được dập tên của đơn vị chủ sở hữu. Nếu không, căn cứ vào chức năng của sản phẩm, người mua cũng rất dễ nhận biết là đồ trộm cắp. Pháp luật quy định rõ, người tiếp tay mua tài sản phạm tội có thể bị khởi tố theo Điều 323 Bộ luật Hình sự và nhận mức phạt từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 - 15 năm”, ông Phát nói. Ông đề xuất các cơ quan sở hữu cần in, khắc ký hiệu đơn vị lên thiết bị trước khi lắp đặt tại các công trình giao thông để hạn chế nạn lấy cắp.

Theo PSG.TS Vũ Anh Tuấn, các cơ quan quản lý phải xác định những thiết bị trọng yếu cần phải bảo vệ. Trên những tuyến giao thông quan trọng, cần có camera giám sát sự cố và lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, giám sát. Khi xảy ra mất cắp tài sản, đơn vị quản lý phải sớm lắp đặt trang thiết bị thay thế để tránh ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Cả hai chuyên gia nói trên đều cho rằng, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân sẽ góp phần quan trọng vào việc chống mất trộm tài sản công. Chính quyền phải giúp người dân (đặc biệt là các nơi thu mua phế liệu) hiểu rõ quy định và vận động những người này báo ngay cho công an địa phương khi phát hiện đối tượng khả nghi. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của người dân, vận động họ mạnh dạn đấu tranh khi phát hiện các hành vi trộm cắp thiết bị.

Ngày 7/11, trong quá trình làm rõ vụ mất hàng loạt dải phân cách trên đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Công an TP Thủ Đức (TPHCM) đã tạm giữ một người đàn ông (chưa công bố danh tính). Đối tượng điều khiển xe máy chở theo nhiều trụ chữ T, ống thép nghi là mảnh ghép của các dải phân cách bị mất trộm. Hoàng Thuận