3 giờ sáng thức dậy, xếp đồ, dắt xe chở theo một ông Tây hướng thẳng lên núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Ngụy trang thật kỹ và ngồi đợi dưới gốc cây để xem voọc ăn, ngủ, sinh hoạt… Đó là công việc, niềm đam mê của anh Tuấn từ nhiều năm nay.
Tuấn sinh ra ở vùng quê nghèo Đại Lộc, Quảng Nam. Ngày bé, mỗi khi lên rừng kiếm củi, Tuấn lại được nghe chuyện về khỉ, voọc và các loài thú khác trên rừng nên vẫn luôn ấp ủ được tận mắt chứng kiến. Đến khi Tuấn trở thành sinh viên khoa Sinh – Môi trường (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), ước mong đó trở thành hiện thực.
Gần kết thúc năm học thứ hai, Hội Động vật học Frankfurt tổ chức khóa tập huấn bảo tồn thú linh trưởng ở Việt Nam, Tuấn lọt vào tốp 15 sinh viên trường tham gia. Lần đầu tiên Tuấn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của voọc ngũ sắc, được nghe những nhà nghiên cứu về động vật trong và ngoài nước nói về loài linh trưởng quý hiếm này.
Càng xem, càng nghe, Tuấn càng thích thú. Tuấn lập ra nhóm gồm 6 thành viên đề xuất nghiên cứu về loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. Đề xuất của Tuấn được xét chọn ý tưởng hay và được tài trợ thực hiện với hai chiếc ống nhòm, một máy ảnh và 1,5 triệu đồng cho 10 tháng nghiên cứu.
Tháng 9/2009, Tuấn ra trường với tấm bằng loại ưu nhờ Đề tài Nghiên cứu thành phần thức ăn và một số tập tính dinh dưỡng của quần thể voọc chà vá chân nâu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – Đà Nẵng được đánh giá cao, đạt giải nhì Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học (ĐH Đà Nẵng).
Tuấn được mời làm việc trong Dự án bảo tồn loài chà vá chân xám của Hội Động vật Frankfurt. Ba năm ròng, anh cùng nhóm nghiên cứu dựng trại, ăn ngủ trong rừng tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai). Những ngày tháng ăn ngủ giữa rừng, cơm chan nước mưa giữa đại ngàn thăm thẳm hằn sâu trong kí ức của Tuấn. Gần một tuần ròng rã lội rừng, cả nhóm mới tìm thấy đàn voọc chà vá chân xám mà mình cần nghiên cứu. Niềm vui nhân lên bao nhiêu khi nhìn thấy đàn voọc quý thì cũng chùng xuống chừng ấy khi cả nhóm tận thấy bẫy dây giăng kín, lợn rừng, cầy, sóc… giãy giụa đau đớn.
Kết thúc dự án, Tuấn trở lại thành phố Đà Nẵng làm việc. Dù nhận chức danh trưởng phòng nghiên cứu khoa học và bảo tồn thuộc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Greenviet) nhưng Tuấn dành phần lớn thời gian ở trên núi Sơn Trà. Anh đang thực hiện một dự án nghiên cứu khác về voọc chà vá chân nâu.
Truyền cảm hứng
Cái tên Tuấn voọc, hay Tuấn Sơn Trà được nhiều người biết đến, tin tưởng, nhiều nghiên cứu sinh người nước ngoài tìm đến anh để nhờ làm trợ lý. Anh cũng nhận hướng dẫn sinh viên Đà Nẵng khi cần nghiên cứu về voọc, hay các loài thú khác trên núi Sơn Trà.
Voọc chà vá chân nâu
Cuối tuần, anh lại cưỡi xe lên núi Sơn Trà để hướng dẫn khách tham quan, có khi tham gia đoàn sinh viên tình nguyện nhặt rác, có lúc để được ngắm voọc.
“Điều quan trọng nhất vẫn là ở ý thức của mỗi người. Khi nhiều người vẫn chưa hiểu hết được về loài linh trưởng thì chưa thể tìm ra cách giải cứu chúng, nhất là những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Người ta còn mua bán, giết thịt mà không hề hay biết đến hậu quả lâu dài của nó thì những người yêu voọc như chúng tôi chưa thể ăn ngon ngủ yên”.
Bùi Văn Tuấn.
Với bộ đồ ngụy trang cho trùng với màu của cây lá, anh tất bật chạy lên, xuống. Khi thì chở Jonathan Clayton, nghiên cứu sinh người Mỹ tới “nhà” voọc để chụp hình, lúc lại dẫn nhóm sinh viên đi tìm khỉ. Tới trưa, anh vẫn tranh thủ nhập nhóm tình nguyện nhặt rác. Len lỏi từng bụi cây nhặt hộp xốp, giấy bóng, vỏ lon nước ngọt, anh lắc đầu: “Đồ ăn, rác rưởi vứt bừa bãi thế này, voọc hay khỉ mà ăn phải thì rất nguy hiểm”.
Rồi anh nhiệt tình nói về thói quen ăn, uống của voọc, khỉ, những câu chuyện cảm động về các loài thú và không quên đề cập sự quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng của các loài linh trưởng hiện nay.
Anh Tuấn là một trong những thành viên đầu tiên thực hiện hành trình Tôi yêu Sơn Trà, lập ra fanpage lưu giữ và truyền thông điệp chung tay bảo vệ chà vá chân nâu đến với học sinh, sinh viên, người dân Đà Nẵng.