Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam-Bắc. K8 là kế hoạch sơ tán trẻ em vùng chiến sự ác liệt Quảng Trị, Quảng Bình ra miền Bắc của Trung ương Đảng và Chính phủ. Chiến dịch diễn ra từ tháng 8/1966 đến cuối 1967, đưa hơn 3 vạn học sinh Quảng Trị, Quảng Bình từ 7-15 tuổi trên một hành trình sinh tử, có một không hai trên thế giới, ra các tỉnh phía Bắc là Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Nam Định, Thái Bình... Sau 7 năm sơ tán, ăn học và lao động ở miền Bắc, học sinh K8 trở về quê hương vào năm 1973, lúc tỉnh Quảng Trị được giải phóng, tiếp tục phục vụ chiến đấu, góp phần tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam và xây dựng, bảo vệ quê hương. Ông Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch Quảng Trị, thành viên trong đoàn quân K8, nhớ lại: “Mỗi gia đình miền Bắc đã đón một hoặc hai em học sinh về nhà, chăm sóc và cho ăn học như chính con em trong gia đình mình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh phía Bắc xem việc nuôi dạy học sinh K8 là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Đại tá Lê Anh Dũng vốn là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, tác nghiệp khắp cả nước để viết bài. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương đã xuất bản những tập bút ký về chiến tranh, từng được trao giải thưởng văn học về đề tài này. Cả hai đã có những kỹ năng của người chuyên viết bút ký chiến tranh. “Măng non trong bão đạn” gồm 20 bài viết nặng về ghi chép, ngôn ngữ tự sự của các nhân chứng về cuộc sống chiến đấu vô cùng nghiệt ngã của nhân dân Vĩnh Linh.
Một hình ảnh không thể nào xúc động hơn với một đôi vợ chồng chia ly cách trở bờ Nam-bờ Bắc: “Những người trắc địa vừa quay máy kinh vĩ sang bờ Nam thì anh Biền, một cán bộ kỹ thuật lạc hẳn giọng nói với đồng nghiệp “vợ tôi đang giặt bên sông”. Những người khảo sát thấy hình như chị nhận ra anh trước vì chị vừa vò mãi chiếc áo, vừa liếc mắt nhìn sang và gạt nước mắt. Anh Biền cứ run bần bật vì nỗi đau chia ly đến tột cùng”.
Xã Vĩnh Tú “là nơi tập trung các đoàn đi K8, địch càng đánh phá dữ dội. Xe 3 cầu của anh Lịch, anh Bê về chở học sinh bị địch đánh bom xăng cháy xe”. Trên đường đi không ít lần bị địch ném bom, hoặc rocket, nhiều cháu bị thương và chết nhưng không ngại gian khổ, dù “các cháu đi bộ hàng trăm cây số, đi hàng tháng trời” vẫn lên đường đi học để thắp sáng ước mơ. Lúc trở lại Vĩnh Tú, dù không sinh ra trên mảnh đất này nhưng tác giả Nguyễn Thị Thu Sương không giấu nổi cảm xúc cháy lòng, để rồi: “Quê nhà là đây, tôi mới đến lần đầu đã muốn lần nữa…” (Ở nơi yên tĩnh).
Câu chuyện của ông Trần Kim Hồ-nguyên Ủy viên Thường vụ Khu ủy Vĩnh Linh lúc nhìn lại K8, đã không khỏi bồi hồi về một hành trình có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới: “Trong hành trình gian nan, nguy hiểm ấy, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những người lính, thầy giáo, bảo mẫu… đã đổ xuống để bảo vệ “những hạt giống đỏ”. Vâng, “thế giới này không thể có cuộc trường chinh nào với 3 vạn trẻ từ 7-15 tuổi, không cha không mẹ, đi gần nửa ngàn cây số dưới mưa bom bão đạn” để đến trường. Trong một cuộc trao đổi văn hóa giữa Hội Nhà văn Ấn Độ và Việt Nam, sau khi nghe tác giả Nguyễn Thị Thu Sương trình bày về cuộc trường chinh sinh tử này, các nhà văn Ấn Độ không khỏi xúc động và ngạc nhiên. Sau khi về nước họ đã yêu cầu được đọc lại bản dịch bút ký bằng tiếng Anh… (Muốn con yêu quý).
“Măng non trong bão đạn” gồm 20 bài bút ký được nhiều nhân chứng, người trong cuộc kể lại. Đó là thầy giáo Nguyễn Hải Lý, Lê Minh Đức, Phùng Thái, nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô, ông Lâm Tự Cường-nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính thị trấn Hồ Xá… Đó là những câu chuyện sinh động và gây nhiều ấn tượng của những học sinh K8 như Võ Thị Quý, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Quang Thuần, Lê Thị Thúy, Hồ Thanh Tự, Trần Văn Khỏe… Nhiều trong số họ sau chiến tranh trở về làm một người dân bình dị sống với ruộng vườn nhưng ai cũng có một ký ức tự hào để mỗi khi nhắc lại, mỗi người đều xôn xao với những kỷ niệm da diết một thời.
Đi qua cửa tử là câu chuyện của anh Trần Văn Khỏe, một học sinh mới học xong lớp 1 đi học K8, trên chuyến xe lúc đến huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thì bị máy bay địch đánh bom tọa độ, “26 đứa thân thể nát nhừ, văng đi mỗi nơi mỗi mảnh… Khỏe là người duy nhất còn sống sót trong số 41 cháu được cấp cứu. Sau khi được băng bó và chữa lành vết thương, 2 năm sau Khỏe bỗng tình cờ gặp lại người anh ruột cũng đi học K8 khóa trước. Trên một vùng đất lạ, người anh chỉ nhận ra em nhờ nghe giọng nói cùng quê. Rõ ràng đó là cuộc gặp ly kỳ, hy hữu trong một hoàn cảnh thật éo le… Cha Khỏe hồi ấy đang làm xã đội trưởng Vĩnh Hiền biết tin Khỏe còn sống vội băng bộ ra Thái Bình tìm gặp con, cha con đã ôm nhau khóc suốt cả thời gian ở lại bên nhau… “Đi qua cửa tử” là câu chuyện kể về những cuộc gặp gỡ trong nghiệt ngã đau đớn của sinh tử, còn mất, để lại ấn tượng rưng rức ngọt ngào trong lòng người đọc.
Theo nhà văn Hồ Sĩ Bình-Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Chi nhánh miền Trung&Tây Nguyên, về mặt nghệ thuật, bút ký của Lê Anh Dũng và Nguyễn Thị Thu Sương đã dựng nên được chân dung chiến dịch K8 sinh động, phong phú, đủ đầy các sự kiện xúc động, đầy tính nhân văn, những “hình tượng nhân vật” hào sảng, bi tráng, vừa mang tính chân thật, vừa khái quát giúp người đọc nhận ra được giá trị của cuộc trường chinh K8 trong đau thương gian khổ nhưng thật đáng tự hào về chủ trương lớn, sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý-Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Trị nhận xét, tập sách có giá trị sâu sắc và nhân văn. Toàn bộ các câu chuyện phản ánh đầy đủ, chân thực, sinh động về cuộc trường chinh của học sinh K8. Để có tập sách “Măng non trong bão đạn”, tính từ lúc khởi đầu chấp bút cho đến lúc hoàn thành cũng ngót ròng 5 năm.
“Măng non trong bão đạn” dài 285 trang, có 20 bài viết. Mỗi bài là câu chuyện sống động, chân thực về hành trình gian nan của học sinh K8 giúp bạn đọc hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh; chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tương lai của thế hệ trẻ thời bấy giờ; sự chung tay, chia sẻ của đồng bào các tỉnh miền Bắc cưu mang, nuôi nấng, đào tạo con em Quảng Trị, Quảng Bình.