Cá bổi hay còn gọi cá sặc rằn là loài cá quen thuộc Miền Tây sông nước nhưng cá bổi nức danh hơn cả là quê hương Bác Ba Phi. Vùng rừng tràm U Minh thuộc các huyện Trần Văn Thời, U Minh là môi trường lý tưởng cho phù du và rong tảo sinh sôi.
Nhãn hiệu tập thể cá khô bổi U Minh đang lên ngôi với những lão nông cho sinh sản giống, ương nuôi thành cá bổi nguyên liệu cho nghề phơi khô cá bổi ngọt thịt, thơm lừng. Cơ sở sản xuất- mua bán cá khô bổi Ba Đức ở thị trấn Trần Văn Thời (Cà Mau) ra thị trường 20- 25 tấn/năm.
Cá bổi được chọn để làm khô để dùng lâu hơn
Phân loại cá khô bổi
Ông Ba Đức kiểm tra cá khô bổi vừa đủ nắng, cho chất lượng tốt nhất
Ông Ba Đức hiện nuôi 7 ao cá bổi nguyên liệu, mỗi ao khoảng 2.500 m2, cho biết huyện Trần Văn Thời, U Minh có khoảng hơn mười hộ nuôi có qui mô lớn, nuôi công nghiệp, chưa kể cá bổi tự nhiên trong vùng. “Tuỳ theo nhu cầu thị trường, cơ sở của tôi tiêu thụ khoảng 60 tấn cá bổi tươi”- ông Ba Đức nói.
Bà con tát, chụp đìa, ông Ba Đức mua về, làm sạch, ngâm vừa đủ muối, phơi khoảng 3 nắng. Ông Ba Đức bật mí: “Cá khô bổi ngon nhất là phơi nắng tự nhiên, kho giữ lạnh chỉ để tránh mưa trái mùa.
Bà con trong vùng, tranh thủ thời gian nông nhàn làm cá khô bán dịp tết. Lao động nữ, chỉ làm một buổi, được trả công 150.000đ/buổi. Còn thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh, chịu nắng chói chang được trả công 300.000đ/ngày. Mùa này, cá bôi khô có giá dao động từ 150.000đ- 450.000đ/kg.
Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nói, năm nay, bà con nuôi cá đồng nói chung, nuôi cá bổi có lời nhờ giá cả tăng lên từng ngày.
Cá khô bổi chế biến đơn giản, nhanh, gọn như nướng, chiên rồi chấm nước mắm me “đưa cay” rượu, bia cho khách đến nhà trong dịp năm hết tết đến. Thịt cá bổi thơm, dai và ít xương sẽ là đặc sản xin đừng quên khi đặt chân đến sông nước Cà Mau.
Cá bổi được làm sạch để phơi khô
.Đóng gói cá bổi bằng máy hút chân không để bảo quản được lâu hơn.
Cá khô bổi ngon nhất vẫn cần ánh nắng tự nhiên