Malaysia đàm phán với ly khai Ukraine về vụ MH17

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thực hiện ít nhất hai cuộc điện đàm với phe ly khai Ukraine. Trong đó, ông nêu rõ ba yêu cầu đối với phe này là trả lại thi thể, bàn giao hộp đen và đảm bảo an toàn cho chuyên gia Malaysia điều tra tại hiện trường vụ tai nạn.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Ảnh: Reuters.

Trong khi các nước phương Tây chưa có biện pháp tiếp cận hiện trường vụ máy bay MH17 rơi, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhanh chóng gửi đội điều tra của nước mình đến vùng kiểm soát của phiến quân Ukraine, bất chấp lo ngại về ngoại giao và sự an toàn của các chuyên gia.

Phải vượt qua nhiều trạm kiểm soát nằm rải rác khu xung đột phía đông Ukraine, nhóm chuyên gia Malaysia mới tiếp xúc được với thủ lĩnh phe ly khai. Cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra thuận lợi khi phe này đồng ý trao trả hộp đen và thi thể.

"Giải quyết thành công vụ MH17 là quan tâm hàng đầu của thủ tướng, để đạt được điều đó, ông muốn chủ động làm việc với phe đang kiểm soát hiện trường rơi máy bay", một nguồn tin từ chính phủ Malaysia cho biết.

Đây được coi là chiến thắng trong chính sách chính trị của ông Najib, người từng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về cách xử lý thảm họa MH370 hồi tháng ba.

Bước đi của ông Najib còn trao tặng một "lợi thế" cho phiến quân. Thỏa thuận ký kết giữa hai bên ghi rõ hiện trường máy bay rơi được thuộc lãnh thổ của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk". Đây là sự công nhận rõ ràng nhất từ một quốc gia với chính quyền do phe ly khai thành lập, trong khi ngay cả Nga, vốn là bên ủng hộ của cũng từ chối công nhận nước Cộng hòa tự xưng này.

"Qua thảm họa MH17, chúng tôi đã chứng minh được Cộng hòa Nhân dân Donetsk có thể đạt được thỏa thuận với các quốc gia khác", Sergei Kavtaradze, phụ tá của thủ lĩnh phiến quân cho biết.

Động thái của Malaysia có thể làm mất lòng Mỹ và chính phủ Ukraine, do cả Washington và Kiev đều không công nhận nước cộng hòa tự xưng của phe ly khai. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf khẳng định trong buổi đàm phán hôm 21/7 rằng Mỹ không công nhận nước "Cộng hòa Nhân dân Donetsk". Phát ngôn viên chính phủ Ukraina từ chối bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, chính sách dứt khoát của ông Najib đã giải quyết được một tình huống ngoại giao khó khăn, tạo điều kiện cho các đội điều tra tìm kiếm hiện trường.

Khi ông Najib nhận được tin về thảm họa máy bay thứ hai của Malaysia trong vòng chưa đầy 5 tháng sau vụ mất tích MH370, ông ngay lập tức có mặt tại Trung tâm hoạt động sân bay Quốc tế Kuala Lumpur để chỉ đạo. Malaysia là nước có số người thiệt mạng lớn thứ hai trong vụ tai nạn với 43 người.

Ông Najib cũng chịu nhiều áp lực từ trong nước khi phe đối lập và một số cố vấn hối thúc ông đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về vụ MH17. Cách đối xử với thi thể nạn nhân cũng khiến người dân nước này phẫn nộ bởi theo đạo Hồi, người chết cần được tổ chức chôn cất nhanh chóng.

Malaysia vốn là một nước có chính sách ngoại giao trung lập, không liên minh với các cường quốc. Sau vụ tai nạn MH17, ông Najib đã chủ động liên lạc với các lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, trong khi phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, Malaysia lại giữ im lặng, thay vào đó, ông Najib âm thầm tìm cách tiếp xúc phiến quân.

Đại tá Mohamed Sakri (phải) của Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia bắt tay với đại diện phe ly khai Ukraine sau khi ký văn bản tiếp nhận hộp đen của máy bay MH17 tại Donetsk hôm 22/7. Ảnh: AFP

Là một lãnh đạo trung lập và thực dụng, Thủ tướng Malaysia chủ động liên lạc với thủ lĩnh của phe ly khai Borodai qua một bên trung gian giấu danh tính. Đây là một nước cờ táo bạo của Malaysia. Đàm phán với quân nổi loạn của quốc gia khác là hành động vi phạm quy tắc ngoại giao. Khi đưa ra quyết định này, ông Najib có nguy cơ đối mặt với chỉ trích của cộng đồng quốc tế và lâm vào căng thẳng với các quốc gia khác.

"Thủ tướng hoàn toàn nhận thức được rủi ro từ việc đàm phán với phe nổi dậy, nhưng ông nhận thấy, nếu không đưa ra biện pháp dứt khoát, vụ MH17 sẽ lâm vào ngõ cụt", một nguồn tin từ chính phủ Malaysia cho biết.

Đàm phán với phiến quân

Kế hoạch đàm phán với phe ly khai do Thủ tướng Najib khởi xướng và âm thầm thực hiện. Ông Najib đã thực hiện ít nhất hai cuộc điện đàm với phiến quân Ukraine. Trong đó, ông nêu rõ ba yêu cầu đối với phe này là trả lại thi thể, bàn giao hộp đen và đảm bảo an toàn cho chuyên gia Malaysia điều tra tại hiện trường vụ tai nạn.

Trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán, phiến quân tuyên bố sẽ tự điều tra hiện trường hoặc bàn giao hộp đen cho Nga, đồng thời yêu cầu một lệnh ngừng bắn để củng cố sức mạnh quân sự ở đông Ukraine.

Quan chức Malaysia gọi điện cho thủ lĩnh Borodai từ Kharkiv, thành phố nằm trong lãnh thổ chính quyền Ukraina và đề nghị phe nổi dậy đến đón. Phe nổi dậy từ chối và yêu cầu gặp bên Malaysia tại một thị trấn trên chiến tuyến. Để xúc tiến thương lượng, phái đoàn 12 người đứng đầu là đại tá Mohamed Sakri thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia di chuyển từ Kiev đến vùng kiểm soát của phiến quân.

"Hãy nói với họ máy bay gặp nạn là của Malaysia, vì vậy Malaysia có quyền thu hồi thi thể và các phần máy bay còn sót lại", Thủ tướng Najib trao đổi với đại tá Sakri.

Ông Kvatardze cho biết phe ly khai cũng bất ngờ trước sự táo bạo của Kuala Lumpur khi thấy xe chở quan chức Malaysia tiến vào khu vực xung đột vũ trang giữa chính phủ Ukraine và phe này.

Vừa đặt chân đến thành trì Donetsk của phiến quân, quan chức Malaysia ngay tập tức tiến hành cuộc đàm phán với tại trụ sở ủy ban thành phố, nơi phe ly khai chiếm được từ tay chính quyền Ukraine.

Cuộc đàm phán diễn ra tại tầng 11 của tòa nhà. Đại tá Sarki với dáng người nhỏ bé ngồi đối diện với các tay súng vũ trang vạm vỡ của phe ly khai. Cuộc đàm phán kéo dài vài giờ và chỉ tạm nghỉ khi quan chức Malaysia làm lễ cầu nguyện.

Cuối buổi đàm phán, thủ lĩnh phiến quân Borodai đồng ý trao trả thi thể và hộp đen máy bay cho Malaysia. Thủ tướng Najib thực hiện thêm một cuộc điện đàm với ông Borodai để xác nhận trướng khi Đại tá Sakri chính thức ký kết thỏa thuận với phe ly khai và nhận lại hộp đen máy bay.

"Chúng tôi không đổ lỗi cho bên nào, cũng không tin bên nào, chúng tôi chỉ muốn đưa thi thể nạn nhân về nước càng sớm càng tốt", Đại tá Sarki phát biểu.

Theo Theo WSJ/ VnExpress