Macedonia: Thị trấn chuyên tạo tin giả, kiếm bộn tiền

TP - Thị trấn Veles nhỏ bé bên bờ sông ở Macedonia (quốc gia ở đông nam châu Âu) hiện nổi tiếng khắp thế giới vì chuyên chế tin giả. Nhiều nhà sản xuất tin giả ở đây đã sắm được nhà lầu, xe hơi.

Veles hiện giờ là cái nôi của hàng trăm trang web giả mạo tung ra khắp toàn cầu. Các câu chuyện mà họ đăng tải thường không có thật, nhưng nhờ sự biến tấu khéo léo,tạo độ giật gân, câu khách mà được lan truyền nhanh chóng trên Internet. Mỗi lần người đọc nhấp chuột xem, một ít tiền đã được chuyển vào tài khoản của người tạo ra thông tin đó. Lợi nhuận đến chủ yếu từ dịch vụ quảng cáo AdSense của Google.

Một trong những người tiên phong của ngành công nghiệp bóng tối này là một sinh viên luật bỏ học, 24 tuổi, được biết đến với cái tên Mikhail. Mikhail nói mình có thể kiếm được 2.500 USD (tương đương 60 triệu đồng) mỗi ngày từ quảng cáo trên trang web của mình, trong khi thu nhập trung bình hằng tháng của người dân Macedonia chỉ là 426 USD (khoảng 10 triệu đồng).

Mikhail đã dùng số tiền kiếm được để mua nhà và nuôi em gái ăn học. Anh này khoe có tới 15 nhân viên, trong đó có hai người ở Mỹ. Công việc của họ là trò chuyện và giao lưu với người hâm mộ. Trang web cuối cùng của Mikhail có khoảng 1,5 triệu người theo dõi trên Facebook, chủ yếu ở Mỹ. Trang web này bị chặn một vài tháng trước sau khi Facebook và Google bắt đầu truy quét các trang tin tức giả mạo. Mikhail đang củng cố hoạt động của mình để sẵn sàng hoạt động cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. “Mục tiêu chính của tôi là chuẩn bị một trang web giống như tôi từng làm trước đây, để sẵn sàng cho cuộc bầu cử tiếp theo ở Mỹ”, Mikhail nói.

Dạy làm tin giả

Phóng viên CNN về thị trấn Veles để tìm hiểu. Họ có cuộc trao đổi với Mirko Ceselkoski, người có hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy về chiến lược Internet và cách tạo ra trang web tin tức giả mạo nhằm vào độc giả Mỹ. Ceselkoski hiện giảng dạy cách sản xuất tin tức giả mạo cho nhiều người trẻ Macedonia, nơi nhiều người thất nghiệp. Anh nói với các học viên rằng, họ sẽ kiếm được ít nhất 1.000 euro (khoảng 30 triệu đồng) một tháng từ các trang web của họ.

Anh dạy họ cách lập một trang web bắt chước y như các trang web chuyên nghiệp, cách tạo tin nóng, cách giật tít câu view, cách đưa tin gây bão mạng... Ceselkoski ước tính, khoảng 100 học viên của anh hiện điều hành các trang tin tức chính trị giả mạo của Mỹ. Ceselkoski khoe, ít nhất bốn học viên của anh giờ đã là triệu phú, nhiều người đã xe hơi đắt tiền như Porsche, Mercedes, BMW…, một số người khác đầu tư vào bất động sản.

Không giống như chính phủ tiền nhiệm, chính phủ mới của Macedonia chỉ trích việc sản xuất tin tức giả mạo tại Veles. Tuy nhiên, thị trưởng Veles Slavcho Chadiev nói: “Sản xuất tin giả là cách bạn kiếm tiền rất nhanh. Chúng tôi không cố gắng để ngăn chặn chúng”. Ông còn tự hào vì giờ đây cái tên Veles đã có mặt trên bản đồ thế giới.Thị trưởng Veles khẳng định: “Điều quan trọng nhất là nó không vi phạm luật pháp Macedonia”.

Theo Theo CNN