Một giả định là áp lực từ bên ngoài có thể thuyết phục Triều Tiên dừng hoặc từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Trung Quốc có công cụ để tạo nên áp lực như vậy. Và Trung Quốc sẽ làm để được vận động đúng cách hoặc bị ép buộc.
Những giả định đó đều đã sụp đổ sau khi được kiểm nghiệm trên thực tế. Ba đời tổng thống Mỹ liên tiếp gồm ông George W. Bush, Barack Obama và nay là ông Donald Trump đều đã đầu tư hy vọng và chiến lược vào Trung Quốc vì muốn vấn đề Triều Tiên được giải quyết. Khi được hỏi rằng liệu phương pháp này có hiệu quả, GS John Delury tại ĐH Yonsei, Hàn Quốc, nói: “Không, người Trung Quốc không thể giải quyết vấn đề này cho chúng ta”.
Nếu Trung Quốc thực hiện đúng mọi yêu cầu của Mỹ về việc cắt đứt thương mại, họ sẽ khiến kinh tế Triều Tiên bị tàn phá. Nhưng các nghiên cứu đều chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt đều không khiến Triều Tiên tự ký vào án tử hình mình.
Theo ông Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu về Đông Á tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, Mỹ, việc cho rằng Trung Quốc có thể khiến Triều Tiên phải trả giá cao hơn cái lợi họ thu được từ chương trình vũ khí là điều “đáng buồn và thất vọng”.
Ông Lewis nói, hãy tưởng tượng rằng bạn là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, và Trung Quốc quay lưng với bạn để bắt tay với kẻ thù để gây sức ép buộc bạn từ bỏ vũ khí. “Điều cuối cùng bạn sẽ làm trong tình huống đó là từ bỏ năng lực hạt nhân độc lập. Bạn sẽ không bao giờ từ bỏ trong hoàn cảnh đó”, ông Lewis nói.
Khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng nhằm buộc nước nào đó phải thay đổi chính sách, chúng thường gây tác dụng ngược. Trong những năm 1960, Mỹ áp lệnh cấm vận hoàn toàn đối với Cuba, nước láng giềng và đồng minh một thời. Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro vẫn cầm quyền hơn nửa thế kỷ và đưa đất nước thoát hiểm ngay cả khi Liên Xô sụp đổ. Khi người Mỹ chỉ trích Bắc Kinh không thể trừng phạt Triều Tiên cứng rắn hơn, “phản ứng của người Trung Quốc là: Vì các biện pháp đó không có tác dụng” và dữ liệu nằm ở phía họ, ông Lewis nói.
Triều Tiên có khả năng chịu áp lực đặc biệt như vậy. Theo GS Delury, người Trung Quốc “có thể tiếp tục giảm quan hệ thương mại và đầu tư với Triều Tiên, nhưng điều này sẽ không thể khiến ông Kim Jong-un chệch hướng vì một điều mà Triều Tiên làm cực kỳ tốt là thẩm thấu nỗi đau”. Trong những năm 1990, khi nguồn viện trợ từ Nga bị cắt, nạn đói đã giết chết 10% dân số Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên không sụp đổ cũng không tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng bằng cách mở cửa với thế giới bên ngoài.
Một điều Triều Tiên khác Cuba là họ có vũ khí hạt nhân, nên Bình Nhưỡng có thể trả đũa những điều mà Chủ tịch Castro chỉ chịu đựng. Năm 2010, Triều Tiên bắn pháo sang một đảo của Hàn Quốc, khiến 4 người thiệt mạng. Triều Tiên cũng bị cho là đánh đắm một tàu của hải quân Hàn Quốc trong năm đó, khiến 46 người chết. Với năng lực hạt nhân ngày càng mạnh, Triều Tiên nay còn có thể làm những việc quyết liệt hơn.
Mắc bẫy
Theo giới quan sát, sự kín đáo của Trung Quốc đối với Triều Tiên thường được cho là vấn đề ý chí. Vì Bắc Kinh về kỹ thuật có đủ khả năng gây ra nỗi đau lớn hơn cho Triều Tiên và họ sẽ làm như vậy nếu họ đủ quan tâm. Nhưng khi người Mỹ nhìn vào lựa chọn của mình, họ hiểu rằng chúng chỉ hữu ích nếu chúng có thể sử dụng. Mỹ có thể san phẳng Triều Tiên sau 1 đêm. Nhưng điều đó sẽ chỉ châm ngòi xung đột mà hậu quả là hàng triệu người Hàn Quốc, Nhật Bản và người Mỹ mất mạng. Washington từ chối lựa chọn đó vì nó không dùng được chứ không phải họ không muốn.
Trung Quốc cũng chịu những hạn chế tương tự, vì những lựa chọn quyết liệt có thể gây ra tổn thất không thể chấp nhận được. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cố cắt đứt thương mại hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt hạn chế. Những nỗ lực này không tạo ra nhiều thay đổi, thậm chí phản tác dụng vì Triều Tiên càng gia tăng hành động khiêu khích, khiến Bắc Kinh mất mặt.
Bằng cách ăn miếng trả miếng, Bình Nhưỡng đang thể hiện rằng dù là nước yếu hơn nhưng họ có đòn bẩy mạnh hơn vì họ sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Triều Tiên cũng đã nỗ lực hạn chế ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc. Những quan chức Triều Tiên thiện cảm với Trung Quốc đều đã bị xử tử.
Bắc Kinh có thể đang mắc bẫy. Mỗi hành động khiêu khích của Triều Tiên đều có nguy cơ gây chiến tranh ở biên giới Triều Tiên. Nếu chiến tranh nổ ra, quân Mỹ sẽ kéo đến ngay sân sau của Trung Quốc và sẽ càng đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản đến gần Mỹ hơn. Chiêu thức cây gậy và củ cà rốt đã thất bại trong trường hợp Triều Tiên và Trung Quốc lo ngại rằng gia tăng áp lực sẽ chỉ làm mất chút ảnh hưởng ít ỏi cuối cùng mà họ đang có đối với Bình Nhưỡng.
Người Mỹ có thể thấy những điểm tương đồng trong những mối quan hệ đồng minh phiền phức của họ. Ví dụ, Ai Cập thường xuyên phớt lờ những đòi hỏi của Mỹ vì biết rằng Washington sẽ luôn quay lại. Ả-rập Xê-út cũng vậy, họ biết cách sử dụng vết nứt trong quan hệ song phương để ép Mỹ phải ủng hộ họ trong cuộc chiến ở Yemen.
Ông Lewis cho rằng quan hệ của Mỹ với Israel tương tự. Trong mấy chục năm qua Washington cố gắng thuyết phục, dỗ dành hay ép buộc Israel thay đổi chính sách với người Palestine. Các lãnh đạo Israel vẫn nhận viện trợ của Mỹ nhưng phớt lờ đòi hỏi của Washington bằng cách thông báo xây thêm những khu định cư mới trước thềm mỗi chuyến thăm của lãnh đạo Mỹ.
Nhưng với thế giới bên ngoài, việc Mỹ không gây sức ép lớn hơn có vẻ là do họ không muốn thế. Khi các nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo sẽ gây thêm áp lực thì chỉ làm tính toán của Isael phức tạp hơn và ảnh hưởng của Mỹ giảm bớt đi vì bị cho là thủ phạm khiến cuộc xung đột dai dẳng thêm.
Có những trường hợp Mỹ có thể đổ lỗi cho nước khác, cho rằng vấn đề Triều Tiên cần người khác giải quyết. “Chúng ta sẽ đổi lỗi cho người Trung Quốc đã đâm chúng ta sau lưng thay vì thừa nhận chính sách của chúng ta là ngớ ngẩn”, ông Lewis nói, và gọi đây là cách dùng “vật tế thần kinh điển”.