Và nay, sau gần một năm chuyện “chia quyền” gây lùm xùm vẫn làm cho tình hình tại đơn vị này bất ổn. Qua vụ việc này càng thấm thía tầm quan trọng của công tác tổ chức cán bộ.
Thống nhất nhân sự tại...nhà riêng của sếp
Gần một năm trước, vào ngày 17-3-2012, ông Phạm Hồng Thạch, Phó Bí thư Đảng ủy Cty chiếu sáng nhận được cú điện thoại của Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Bí thư Đảng ủy, kiêm Tổng Giám đốc Cty Chiếu sáng Phạm Đức Tiến mời đến nhà riêng bàn công việc.
Ngay phòng nghỉ tại nhà (khi đó ông Tiến đã rất yếu vì mắc bệnh hiểm nghèo, nên đang điều trị ở nhà), ngoài ông Thạch còn có bà Trần Thị Tuyết Thu, Ủy viên HĐTV, kế toán trưởng Cty.
Ông Tiến nêu vấn đề sức khoẻ của ông bị giảm sút và có nhu cầu chia sẻ bớt chức vụ Tổng Giám đốc cho ông Trần Hậu Phượng - Phó Tổng Giám đốc đảm nhận, còn ông sẽ chỉ đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐTV. Nghe đến đây cả hai người tham gia cuộc họp đều rất ngạc nhiên.
Ông Thạch sau đó được giao nhiệm vụ gọi điện đến các đồng chí trong Thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy dự họp bất thường vào sáng chủ nhật ngày 18-3.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Thạch cho biết, ông chỉ được phép gọi điện báo mọi người mà không giải thích bất cứ điều gì liên quan nội dung cuộc họp.
Thực hiện đúng theo chỉ đạo này, những người đến dự họp ngày 18-3-2012 đều không hề biết gì về nội dung cuộc họp cho đến khi nó được khai mạc.
Đến cuộc họp bất thường
Khi đến dự cuộc họp mọi người đều mang theo những tâm trạng, và tỏ ra bất ngờ vì các lẽ: Lâu lắm rồi, chưa thấy Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc mời họp; thứ hai, không hiểu nội dung cuộc họp là gì và vì sao lại phải họp gấp vào ngày chủ nhật, nơi tổ chức cuộc họp không diễn ra tại trụ sở cơ quan... Đáng lưu ý là tại cuộc họp này còn có đại diện của Sở Nội vụ Hà Nội.
Nếu là họp lãnh đạo Cty thôi thì sao lại có đại diện Sở Nội vụ Hà Nội? Theo những người dự họp nói lại, ông Tiến khi tổ chức họp cũng đã thông báo về việc thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương thay đổi mô hình tổ chức, phương án thay đổi nhân sự.
“Thành phố người ta có biết ông Tiến ốm nặng không, xin lỗi ông nhé thành phố người ta biết thừa nhưng sao người ta không miễn nhiệm ông ấy đi... Thứ hai là nói ông này tham quyền cố vị thì với tâm lý người Việt, mặc dù mình biết mình chết rồi nhưng chết cũng phải có chức vụ, đấy là theo suy nghĩ của tôi...”, ông Kiều Quốc Uy - Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội.
Và không ngạc nhiên khi kết quả là tại ba biên bản ghi cuộc họp ở cấp HĐTV - Ban Thường vụ và Đảng ủy đã xác nhận số người tham gia dự họp đều nhất trí 100% với các nội dung mà ông Phạm Đức Tiến nêu ra tại cuộc họp gồm: đồng ý tách mô hình tổ chức, tách riêng hai chức danh chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc và đồng ý việc ông Tiến chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV, ông Trần Hậu Phượng sẽ giữ chức Tổng Giám đốc Cty.
Chỉ xem qua cách thức ghi biên bản, thời gian họp, nội dung biên bản đã thấy rằng một việc hệ trọng - chuẩn bị nhân sự cấp cao nhất của Cty Chiếu sáng đã được làm vội vàng đến bất ngờ.
Ví như, nếu coi đây là cuộc họp lấy ý kiến thì không thể khẳng định như đinh đóng cột rằng “đồng chí Tiến sẽ giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV, đồng chí Phượng sẽ giữ chức vụ Tổng Giám đốc...”. Vì việc bổ nhiệm nhân sự còn phải thực hiện theo nhiều bước.
Ông Phạm Tiến Bình, Phó Tổng giám đốc Cty Chiếu sáng cho biết: “ Tôi là lãnh đạo Cty nhưng cũng không được mời tham dự các cuộc họp này. Đến chiều cùng ngày, ông Phượng - người được giới thiệu làm Tổng Giám đốc trong cuộc họp đã đến nhà tôi với nhã ý mong tôi ủng hộ, tôi mới biết”.
Tâm thư của 27 cán bộ chủ chốt
Sau cuộc họp, một số thành viên mới tá hoả khi biết rằng, việc tổ chức họp lấy ý kiến nhân sự là do ông Tiến tự tổ chức mà chưa được cấp có thẩm quyền xem xét và cũng chẳng theo đúng quy trình về công tác cán bộ.
Ngày 20-3, tập thể 27 cán bộ chủ chốt của Cty Chiếu sáng đồng loạt ký vào lá đơn trình bày và kiến nghị gửi một số lãnh đạo của thành phố Hà Nội.
Những người ký đơn gồm các phó tổng giám đốc (trừ ông Trần Hậu Phượng), Phó Bí thư Đảng ủy, các trưởng phó phòng; các giám đốc, phó giám đốc xí nghiệp trực thuộc Cty...
Một trong những nội dung của đơn là việc ông Tiến từ năm 2010 đã mắc bệnh hiểm nghèo và từ tháng 2-2011 sức khoẻ của ông Tiến diễn biến ngày một xấu. Dù vậy ông Tiến vẫn giấu cấp trên, Cty và đồng nghiệp. Vì thế đến tháng 7-2011, ông vẫn được tái bổ nhiệm.
Lẽ đương nhiên, bệnh càng nặng thì sự xuất hiện tại Cty càng thưa thớt, tâm sức và thời gian dành cho Cty càng giảm. Nhiều cán bộ công nhân viên thực sự lo ngại cho Cty, nội bộ có mầm mống mất đoàn kết, hiệu quả kinh doanh gặp khó. Điều này ai trong Cty cũng biết nhưng dường như lãnh đạo thành phố không biết (?).
Các cán bộ chủ chốt của Cty trong thư đã đề nghị lãnh đạo thành phố vận động, thuyết phục để ông Tiến tự nguyện thôi chức vụ đang đảm nhiệm...vì lý do không đảm bảo sức khoẻ. Thực tế, ba tháng sau (tháng 6-2012) ông Tiến đã mất.
Thứ hai, lá đơn cũng đề nghị thành phố cho phép giới thiệu thêm 2 đồng chí phó tổng giám đốc đương nhiệm để tập thể cán bộ chủ chốt Cty xem xét lựa chọn thông qua bỏ phiếu tín nhiệm, thực hiện quy chế dân chủ trong việc bổ nhiệm cán bộ.
(Còn nữa)