Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình lùi 1 năm nhưng cũng có nhiều ý kiến cân nhắc tính khả thi và đề nghị chậm lại 2 năm so với lộ trình.
Theo báo cáo, trên cơ sở Tờ trình số 408 ngày 6/10 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của UBVHGDTNTN&NĐ, Thường vụ Quốc hội đã xem xét và cho ý kiến. Ngày 25/10, Ủy ban đã họp phiên toàn thể thẩm tra tờ trình về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa GDPT mới.
Theo lộ trình, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT. Tuy nhiên, thực tế qua 3 năm triển khai cho thấy, việc chuẩn bị đổi mới chương trình còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo đúng lộ trình và tiến độ.
Vì vậy, theo tờ trình, chương trình, sách giáo khoa mới được bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020, chậm một năm so với lộ trình quy định. Phương thức triển khai là áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm 2019 -2020, đối với cấp THCS từ năm 2020-2021 và THPT từ năm 2021-2022.
Theo báo cáo, các thành viên Ủy ban đều đồng ý với việc lùi thời gian và thay đổi phương thức triển khai. Tuy nhiên, về thời gian triển khai, các thành viên ủy ban có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, có 24/35 đại biểu đồng ý với phương án lùi thời gian như trong tờ trình. Nghĩa là, thời gian bắt đầu ở cấp tiểu học chậm 1 năm, cấp THCS chậm 2 năm, cấp THPT chậm 3 năm và về tổng thể, dù điều chỉnh thời điểm bắt đầu nhưng tổng thời gian triển khai chương trình GDPT mới vẫn là 5 năm không tăng kinh phí.
Loại ý kiến thứ hai, có 11/35 đại biểu cân nhắc về tính khả thi của phương án điều chỉnh lộ trình như đã nêu. Các đại biểu này đề nghị lùi thời gian thực hiện chương trình chậm lại 2 năm so với lộ trình. Lý do, các công việc liên quan đến xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới còn rất nhiều.
Bao gồm: xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu giáo dục chung và của địa phương, giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh sách giáo khoa và triển khai đại trà... Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, tuy chương trình GDPT tổng thể đã được ban hành vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở lý luận, mục tiêu và nội dung chương trình, mục tiêu, nội dung đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới như: tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất... cần có thời gian cũng như sự vào cuộc của nhiều đơn vị. Ngoài ra, việc xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với chương trình GDPT mới cũng cần có thời gian để đảm bảo tính đồng bộ và chất lượng.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT cho rằng, nếu lùi chương trình, sách giáo khoa đến 2 năm như một số ý kiến là không cần thiết. Bởi đến thời điểm hiện tại, chương trình tất cả các môn đã hoàn thành, cũng đã lấy ý kiến chuyên gia, đã biên tập. Sắp tới, Bộ sẽ cho đưa lên cổng thông tin để lấy ý kiến rộng rãi công chúng.