Theo đại diện Ban Dân vận Đảng ủy Khối DN Trung ương, tổng số DN cần thoái toàn bộ vốn nhà nước (theo đề án) là 642 DN. Số đã thực hiện thoái vốn xong kể từ khi đề án được phê duyệt là 167 DN (tổng số vốn thoái thu đầu tư ngoài ngành được hơn 1.821 tỷ đồng (trên tổng số vốn cần phải thoái 22.000 tỷ đồng), bằng 0,082%. Từ nay đến 2015, còn cần tiếp tục thoái vốn toàn bộ tại 472 DN.
Ông Hoàng Giang, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy Khối DN Trung ương cho biết, số DN CPH đạt tỷ lệ còn thấp. Nguyên nhân do một bộ phận (DNNN) phải thay đổi nhiệm vụ, quyền lợi một số người đang trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý điều hành (DN). Theo ông Giang, vướng nhất hiện nay là quá trình thực hiện tái cơ cấu, CPH DN đã phát sinh một số mâu thuẫn về lợi ích và lợi ích nhóm. “Đây chính là lực cản không nhỏ ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu DNNN”, ông Giang nói.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Sơn (Ban Tổ chức Trung ương), nhóm lợi ích tiêu cực sẽ gây trở ngại cho việc tái cấu trúc DNNN. Đó chủ yếu là cán bộ quản lý cao cấp trong DNNN (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, kế toán trưởng). Những người này thường cấu kết với các chuyên viên được xem “năng động và có quan hệ rộng” thân cận với họ.
“Lợi dụng thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và phân phối nội bộ DN... Họ dùng những thủ đoạn tinh vi biển thủ các nguồn lực của DN và nhà nước để mưu lợi cho mình”, PGS.TS Sơn nói.
PGS.TS Phạm Quốc Trung (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, DNNN hiện đã phát lộ nhiều hạn chế về mô hình quản lý, cơ chế quản lý, cơ cấu lao động, hệ thống khuyến khích lợi ích... dẫn đến những thất bại như thua lỗ, phá sản, thất thoát tài sản (do tham nhũng, thiếu trách nhiệm, lạc hậu về công nghệ).
“Để giữ vững vai trò của mình, DNNN cần phải tái cấu trúc một cách toàn diện và phải xoá bỏ lợi ích nhóm”, PGS.TS Trung nói.