Lửa tàn tro

TP - Khiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa

> Lửa

Bếp lửa quê nhà. Ảnh: Vũ Công Điền.

Mùa đông năm nay không lạnh. Tôi xuôi đò theo hạ lưu Thu Bồn về chợ Nồi Rang. Nắng nhạt đầu đông chao chát sóng đùa bên những rặng dừa nước xanh um. Cây cầu Cửa Đại vẫn chơ vơ mấy cọc, đang làm cầm chừng. Ngó mông ra xa đã chập chờn thấy biển…

Tôi về với những người đàn bà bán tro bên kia Thu Bồn. Bên thềm nhà, bà Nùng đang cặm cụi ngồi viết lên những chiếc bao dứa từng chữ N to tướng bằng sơn đỏ.

Nùng là tên của con gái đã cho bà những đứa cháu ngoại, còn tên thật của bà là Lụa, nhưng người làng ít ai gọi. Bà Nùng có lẽ là một trong những người đầu tiên làm nghề mua bán tro vùng này. Cái nghề đặc biệt hiếm hoi trên cả nước.

Ngót ba chục năm về trước, bà đã đạp xe, lặn lội ghe đò qua sông tìm về vùng Gò Nổi và các xã của vựa lúa Điện Bàn để mua tro. Chỉ duy nhất loại tro rơm. Bà sục vào từng bếp để xúc hốt, tự tay cột từng bao vào xe đạp, đem qua sông về bán lại cho những người nông dân lam lũ vùng cát Duy Nghĩa - Duy Xuyên quê mình.

Bà Nùng, ngót 30 năm gắn bó với tình tro bụi. Ảnh: Trần Tuấn .

Nơi đây, mỗi năm không dùng tro cải tạo đất, sắn khoai, đậu lúa khó lòng đậu củ, đơm hạt. “Phân chỉ tốt tức thời, không giữ màu cho đất được như tro. Đất cát này không có tro coi như bó tay, không trồng được thứ chi, chỉ có đói”, bà Nùng thủng thỉnh.

Cái thời xưa kham khó, củi cành thiếu thốn, rơm rạ là chất đốt chủ lực của bếp lửa nhà nông. Giữ cho những mái bếp ngoằn nghoèo làn khói lam chiều.

Tro bụi trần gian tưởng đều nhau muôn một, té ra lại có hạt nặng hạt nhẹ. Như là tro rơm, dùng chụm bếp nấu nướng hạt tro sẽ mềm mịn và nặng hơn hạt tro rơm đốt hủy trên đồng.

Cùng một loại bao tải, tro bếp bao giờ cũng nặng hơn tro đốt đồng hàng chục ký. Và tốt cho đất đai hơn. Giá mỗi bao tro vì thế cũng chênh nhau chừng chục ngàn đồng.

Chỉ với tro bụi, bấy nhiêu năm một tay bà Nùng tần tảo nuôi lớn đàn con. Thời kham khó lui dần, con cái đã nhà cửa công việc đề huề, bà vẫn không dứt nổi tình tro bụi. Không còn sức đi, nay bà ở nhà làm đại lý tro.

Những chiếc bao tải ghi chữ N được những người đàn bà xứ Quảng dẻo dai khác chuyền đi khắp nơi. Tro tứ xứ lại gom về.

Thời bếp ga, bếp điện bây giờ lửa rơm dần xa vắng, phai nhạt dần hương khói và những vệt bồ hóng lấm lem chái bếp. Tro đốt đồng nhiều hơn. Con cái cũng nhiều lần tìm cách cấm cản để bà ngơi nghỉ tuổi già. Nhưng đất này nghiện tro rồi. Bà cũng nghiện, dù lời lãi không bao nhiêu.

Còn một lý do, bà nói nhỏ với tôi rằng bấy lâu vẫn giấu chồng giấu con. Đó là bà thường cho bà con nông dân quê mình mua tro chịu, đến mùa thu hoạch có tiền hẵng trả.

Bà mẹ Quảng Nam nhà kế bên chợ Nồi Rang ấy, những năm tháng chiến tranh từng không quản bố ráp hiểm nguy, đêm ngày đỏ lửa cơm nước nuôi giấu bộ đội, cán bộ.

Những người đàn bà bán tro nơi chợ Nồi Rang. Ảnh: Vũ Công Điền.

Không nghĩ rằng từ những người tiên phong với tro than như bà Nùng, lại sinh ra một thứ nghề. Bên chợ Nồi Rang bây giờ cứ sáng sớm lại diễn ra phiên chợ tro của những người đàn bà gương mặt ẩn dưới vành nón đựng nhiều mưa nắng. Những bao tro dựng bên chiếc xe đạp cũ kỹ. Cảnh mua bán thường diễn ra trong lặng lẽ, thoắt cái nắng lên chợ tro đã tan…

*

 Người ta nói nhiều về ngày tận thế. Tờ lịch ngày 21-12-2012 rơi xuống, tận thế đã không đến. Hay chưa đến? Nhưng loài người dù cố nguôi quên, hoặc tỏ ra hân hoan hồn nhiên, thì nỗi khắc khoải vô hình vẫn vương vất đâu đó, như lời nguyền chưa thể bước qua. Như đất nước này, từng quá nhiều lửa và tàn tro….

Tiếng búa máy chợt vọng lại từ cây cầu đang xây dở kéo tôi choàng thức khỏi những mông lung. Con đò đang đưa tôi ngược về lại Hội An.

Nhìn xuống dòng nước đang trôi, nhớ trưa hè cách đây ít năm, nơi chót cùng Đất Mũi, chàng thi sĩ đồng hành với tôi từ miền Trung xa xôi đã đốt tập thơ mới in, thả tro xuống biển.

Không phải biển Mỹ Khê, Non Nước, Cửa Đại, Lăng Cô, hay Đồ Sơn, Vũng Tàu... Mà là biển của rẻo đất nhỏ nhoi cuối cùng dải đất hình chữ S.

Như một trò chơi “ngông cuồng” cuối cùng trước khi chia tay thời trai trẻ. Dù biết rằng biển nơi nào có khác chi nhau, như tro bụi, có khác gì nhau ? Tro bụi thi ca, chữ nghĩa đời người ấy nay đã trôi về đâu ? Hay đang ngấm ngầm trở về đốt trong bạn, trong tôi ngọn lửa khác - một kiếp trước của tàn tro?

Người ta nói nhiều về ngày tận thế. Tờ lịch ngày 21-12-2012 rơi xuống, tận thế đã không đến. Hay chưa đến ? Nhưng loài người dù cố nguôi quên, hoặc tỏ ra hân hoan hồn nhiên, thì nỗi khắc khoải vô hình vẫn vương vất đâu đó, như lời nguyền chưa thể bước qua. Như đất nước này, từng quá nhiều lửa và tàn tro…

Tro ấm hơi người nên mới nặng. Triết lý vô tình học được từ bà lão bán tro bên dòng sông Thu. Bếp thời bây giờ lạnh quá. Lửa đời cũng nhạt dần hơi ấm. Tận thế của lửa có đáng sợ hơn không.

Có những người chọn lựa làm chiếc “đèn không hắt bóng” như bác sĩ Naoe trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nhật Watanabe Junichi. Khi biết rằng đời người chỉ như “thổi một dúm tro khỏi lòng bàn tay - thế là hết”. Nhưng tàn tro cái chết của ông thực sự khơi lại thật nhiều ngọn lửa cho những người còn sống.

Bác sĩ Naoe, hay con thuyền Noah, có chở hết được những kiếp người mong manh, như lửa và tàn tro…

Tản văn của
Trần Tuấn

Theo Báo giấy