Táo quân luôn là một trong những chương trình có lượng rating cao, giá quảng cáo giữa chương trình cao ngất ngưởng. Điều đó còn có thể chấp nhận được, tuy nhiên việc lồng ghép thương hiệu vào quảng cáo trực tiếp ngay trong kịch bản Táo quân khiến khán giả khó chấp nhận hơn và nhanh chóng phản ứng bằng những dòng trạng thái trực diện, hoặc những bình luận gay gắt.
Ngay phần đầu Đỗ Duy Nam-Trung ruồi đã có màn tung hứng quảng cáo cho một trang web bán hàng online được ưa chuộng.
Chưa dừng ở đó, ngay sau đó lần lượt các nghệ sĩ thay nhau nhắc đến những thương hiệu từ thời trang, hàng không, thương hiệu thịt mát, xe đạp điện, ô tô cho tới một thương hiệu sâm. Không chỉ nhắc tới tên thương hiệu, nghệ sĩ còn đọc cả công dụng, slogan của nhãn hàng đó gây phản cảm.
Không cần chờ chương trình kết thúc, cư dân mạng nhanh chóng thả những dòng trạng thái chán nản. Facebooker N.L.T viết: “Một kịch bản nhạt nhẽo cộng với lồng ghép quảng cáo lố bịch...”.
Một tài khoản L.H than: “Mới xem được 45 phút mà kịch bản nhạt, diễn xuất ngấy, quảng cáo thô, tình huống chọc cười chẳng có. Táo ơi là Táo”.
Tài khoản Đ.T.Q lại phân tích: Táo quân có lối gây cười gần như Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, thêm tí Châu Tinh Trì, chút mắm muối từ lóng mới phổ biến. Nói chung vô thưởng, vô phạt, dù có cài cắm chủ đề nhạy cảm hay không, có mang thông điệp gì hay không cũng chỉ để mua vui cho quần chúng cả nước.
Về dư luận nhiều năm xem xong Táo quân thường chê nhạt, nhảm, chán các nghệ sĩ cũng nhiều lần đăng đàn để kể khổ. Họ cho rằng Táo quân đơn giản là chương trình giải trí cuối năm, nhưng luôn được dư luận chờ đợi để “gãi đúng chỗ ngứa”, đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Đó cũng là lí do vì sao ê kíp sản xuất luôn chịu áp lực lớn mỗi mùa Táo quân 2019.