Lối nào cho xưởng may “2 trong 1”?

TP - Hầu hết xưởng may nhỏ vừa là nơi sản xuất, vừa là nhà ở; nguy cơ cháy nổ cao, nhưng địa phương gần như không quản lý.

Những kẻ nhẫn tâm
> Vụ cháy xưởng may: Bệnh nhân nghèo nặng gánh phí điều trị

Nông dân hai trong một

Các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam... hiện có hơn 1.000 xưởng may nhỏ. Mỗi xưởng may nhỏ thu hút từ vài chục đến gần 200 công nhân, chủ yếu là nông dân. Lúc nông nhàn, với mức lương từ 1,6 triệu đến hơn 3 triệu đồng/tháng.

Xưởng may tư nhân được coi là quy củ nhất huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) là xưởng may chuyên gia công áo rét xuất khẩu Bình Lan do anh Nguyễn Tiến Bình làm chủ. Nằm giáp cánh đồng, xưởng này tạo việc làm thường xuyên cho 120 người dân trong vùng với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng. Chỉ mấy công nhân nhỏ đang mải mê nhặt chỉ áo, anh Bình nói: “Mấy em này đang học cấp 3, nghỉ hè làm thêm vài tháng các việc vặt cũng được hơn 1 triệu/tháng để lấy tiền mua sách vở năm học mới. Nhìn công nhân làm việc đông thế này thôi chứ vào ngày mùa phải cho họ nghỉ vài ngày để gặt, cấy giúp gia đình...”.

Nhà ở kiêm xưởng may rất nhỏ của chị Nguyễn Thị Hải (huyện Ninh Giang, Hải Dương) gia công cho 1 công ty ở Hải Phòng, thu hút gần 30 lao động trong xã với mức lương 2 - 2,2 triệu đồng/tháng. Chị Ca Thị Hồng (công nhân xưởng) nói: “Em đi làm công nhân may ở trong các khu công nghiệp rồi. Lương có thể cao hơn một chút nhưng chi phí thuê nhà trọ, sinh hoạt xa nhà thiếu thốn đủ thứ chiếm phần lớn lương, đâm ra vất vả mà chẳng dành dụm được gì. Em làm ở đây gần nhà, nghỉ trưa còn đạp xe về nhà ăn cơm, không phải thuê nhà trọ, rất thoải mái, tiết kiệm thời gian, tiền. Đến mùa vụ được nghỉ vài ngày giúp gia đình gặt, cấy”.

Nguy hiểm rình rập

Các xưởng may nhỏ len lỏi khắp làng quê miền Bắc hầu hết có vẻ “kiến trúc” giống hệt nhau. Đó là những ngôi nhà cấp 4, tường rất mỏng, lợp mái tôn màu đỏ hoặc xanh, rộng từ 40m2 đến gần 300m2. Bề ngoài thì bịt bùng kín mít, chỉ duy có cửa lớn để ra vào và cũng chỉ có một nhà vệ sinh khép kín trong xưởng. Trần nhà được cách nhiệt bằng các tấm xốp trắng, dưới sàn la liệt sản phẩm, vật liệu dễ cháy như vải, nilon, keo, giả da, xốp... Vì nhỏ hẹp nên các xưởng may này thường sử dụng “hai trong một”: vừa là nhà ở vừa là xưởng sản xuất.

Anh Lê Văn Hưng, phụ trách kĩ thuật xưởng may “hai trong một” Huyền Phong (xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, xưởng không có thiết bị chữa cháy và cũng chẳng thấy cơ quan chức năng kiểm tra. 25 công nhân làm ở đây không có bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội. Xưởng chính chỉ rộng cỡ 40m2 và không có cửa thoát hiểm.

Xưởng may nhà chị Nguyễn Thị Hải (xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, Hải Dương) chỉ vỏn vẹn 96 m2 gồm cả khu vệ sinh lẫn nhà kho kiêm chức năng nhà ở khi công nhân về, không có phương tiện chữa cháy nào. Chị Hải nói: “Chồng tôi là thợ điện nên hệ thống điện làm cẩn thận lắm nên không lo chập điện gây cháy. Thi thoảng, cơ quan chức năng ở huyện và xã cũng đến kiểm tra an toàn lao động”.

Ông Phạm Ngọc Lập, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ninh Giang (Hải Dương), cho biết không ai quản lý các xưởng nhỏ này. “Chúng tôi biết là nắm tình hình qua các nguồn tin khác bởi họ có đăng kí kinh doanh đâu. Chính quyền xã cũng chẳng báo cáo. Mà cũng không có chế tài xử phạt hay bắt các xưởng may nhỏ này báo cáo cả. Nhiều xưởng may nhỏ muốn mở rộng, xin thuê đất, chúng tôi cũng không biết giúp cách nào vì không có quy chế, quy định nào cả, muốn thuê phải lập dự án mà xưởng nhỏ bắt họ làm thế cũng quá sức”, ông nói.

Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đề nghị, nếu xã nào có nhiều xưởng may nhỏ thì nhà nước nên hỗ trợ cho xã dành ra 2 đến 3 ha làm hạ tầng đầy đủ, đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường rồi cho các xưởng này thuê với giá rẻ để quản lý nhằm tránh tự phát như hiện nay.

Theo Báo giấy