Lỗi đầu tiên thuộc về thành phố Hà Nội

TP - Cùng các dự án bị bóp méo, trong 10 năm qua quy hoạch (QH) bãi đỗ xe Hà Nội không hề được điều chỉnh.
Theo QH 165, ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài là điểm đỗ xe nhưng nay trở thành công trình tòa nhà thương mại 9 tầng. Ảnh: Trọng Đảng

> Quý bốn khởi công hai bãi đỗ xe ngầm

Theo QH 165, ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài là điểm đỗ xe nhưng nay trở thành công trình tòa nhà thương mại 9 tầng.
Ảnh: Trọng Đảng.
 

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên GĐ Sở QH&KT Hà Nội trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng điểm đỗ xe ở Hà Nội. Từng là người thẩm định QH 165 về mạng lưới điểm đỗ xe Hà Nội cũng như dự án xây dựng tòa nhà đỗ xe 16 Cát Linh (nay là trụ sở Sở KH&ĐT) ông Nghiêm không khỏi buồn khi các dự án này bị bóp méo và thực hiện không đúng mục tiêu.

Bức tử quy hoạch bãi đỗ xe

Là người thẩm định, sau đó tham mưu cho TP phê duyệt QH 165, theo ông nếu thực hiện đúng, hệ thống điểm đỗ của Hà Nội giờ ra sao?

QH mạng lưới điểm và bãi đỗ xe Hà Nội (QH 165) do Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng) lập năm 2003 khá bài bản, chi tiết. Với tư cách là GĐ Sở QH&KT khi đó tôi đã chỉ đạo bộ phận chuyên trách thẩm định kỹ, sau đó có kết quả bằng văn bản tham mưu cho thành phố phê duyệt.

Thời điểm lập QH Hà Nội mới chỉ có gần 2 triệu mô tô, xe máy, tuy nhiên đơn vị thực hiện đã phân định rõ cả giải pháp tạm thời lẫn giải pháp lâu dài. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2003 đến 2005, để giải quyết nhu cầu cấp bách về đỗ xe QH tạm xác định có 130 tuyến phố được chọn đỗ xe.

Song song với phương án này là kế hoạch xây dựng 34 điểm, bãi đỗ xe tại 7 quận nội thành như điểm đỗ xe 4 tầng tại Hai Bà Trưng - Hàng Bài, điểm đỗ xe 4 tầng Tràng Thi, điểm đỗ xe 4 tầng Phan Chu Trinh, điểm đỗ xe 4 tầng Lê Duẩn. Mục tiêu các điểm đỗ xe này sẽ từng bước thay thế các điểm đỗ xe trên đường phố, lộ trình thực hiện kế hoạch là 6 năm (từ 2004 đến 2010).

Ngoài ra để hạn chế xe vào nội đô, QH cũng xác định có 9 bãi đỗ xe ở các cửa ngõ như Gia Thuỵ, Hải Bối, Phùng Khoang, Kim Ngưu... được xây dựng trong giai đoạn 2001 đến 2005.

Theo tôi, ở thời điểm đó, đây là QH chi tiết, bài bản nếu thực hiện đúng, bây giờ Hà Nội chỉ cần nâng cấp, mở rộng hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp là cơ bản giải quyết được nhu cầu điểm đỗ của người dân.

Vì sao QH đã không thực hiện được?

Thực tế Hà Nội có thực hiện QH 165 nhưng thực hiện không nghiêm, nửa vời dẫn đến QH bị bóp méo và đi sai mục tiêu. Thời điểm QH được phê duyệt khác với thời điểm QH triển khai, nhưng đến nay sau gần 10 năm thực hiện QH điểm và bãi đỗ xe Hà Nội chưa hề được điều chỉnh cho phù hợp.

Ví như khu vực Hải Bối (Đông Anh), lúc đó làm bãi đỗ xe gắn với chợ đầu mối Hải Bối, nhưng khi chợ không thực hiện theo chợ đầu mối được thì bãi đỗ xe cũng không điều chỉnh, dẫn đến bãi đỗ xe xây xong kéo theo chợ bỏ không.

Trong QH cũng nhấn mạnh, cần nghiên cứu xem xét lại một số tuyến phố, nếu thấy lưu lượng phương tiện đảm bảo cho giao thông thì có thể cho đỗ xe tạm, coi đây như một giải pháp tình thế. Nhưng rất tiếc chủ trương tình thế này áp dụng quá lâu, cho đến tận bây giờ mới rà soát, trong khi rà soát lại phân chia cho quận huyện, thậm chí phường cũng tham gia quản đỗ xe trên phố.

Khi vỉa hè được phân về cho phường, phường lại khoán cho doanh nghiệp (DN) thì làm gì có chuyện DN lo cho giao thông. Với các điểm đỗ xe trong nội đô, do thiếu cơ chế, thiếu quyết tâm nên hầu hết các dự án này đã không thực hiện hoặc bị biến tướng.

Để xảy ra việc này, lỗi đầu tiên phải là UBND TP do thiếu trách nhiệm theo dõi. Tiếp đó, với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở GTVT là đơn vị có trách nhiệm chính trong việc này khi không thực hiện được QH cũng không có giải pháp kiến nghị, tháo gỡ. Sở KH&ĐT, QH&KT có trách nhiệm liên đới khi thiếu sự giám sát, đôn đốc.

Ông Đào Ngọc Nghiêm.
 

Thành phố nên gương mẫu

Được biết tòa nhà 16 Cát Linh xây dựng để đỗ xe, tuy nhiên hiện lại là trụ sở Sở KH&ĐT, ông cho biết nguyên nhân vì sao?

Trước đây để phục vụ sân Hàng Đẫy, đặc biệt là dịp SEA Games 22, sau khi được Sở QH&KT tham mưu, khu đất 16 Cát Linh đã được TP Hà Nội quy hoạch xây điểm đỗ xe cao 7 tầng.

Tuy nhiên sau khi dự án hoàn thành và sân vận động Mỹ Đình cũng đi vào hoạt động nhu cầu gửi xe ở đây không còn cao nên năm 2008 trước sức ép về trụ sở làm việc TP đã có chủ trương di dời Sở KH&ĐT ở phố Trần Nguyên Hãn về toà nhà 16 Cát Linh để mở rộng trụ sở UBND và HĐND TP.

Vậy theo ông tòa nhà này có cần phải được sử dụng đúng chức năng hay TP nên có phương án thay thế?

Trong tình cảnh người dân đang thiếu trầm trọng điểm đỗ xe, cùng với tuyên truyền người dân sống và làm việc theo pháp luật, thành phố cũng nên gương mẫu trả lại tên cho tòa nhà 16 Cát Linh.

Theo Báo giấy