Lời dặn từ Đền thiêng hướng về Thủ đô năm ấy

TP - Đoàn quân Tiên phong tiến về Thủ đô mang theo lời căn dặn của Bác Hồ từ một ngôi đền thiêng Đất Tổ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những thông điệp bất hủ mang khí phách, trách nhiệm và sức mạnh của cả dân tộc Việt từ một cuộc gặp gỡ 60 năm trước vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử cho hậu thế hôm nay.

Một bức ảnh ít được công bố về cuộc nói chuyện của Bác với Đại đoàn quân Tiên phong

Những cán bộ cốt cán của Đoàn quân Tiên phong tiến về Đền Hùng từ nhiều hướng trong đêm 18/9/1954. Gần 100 người. Một cuộc gặp gỡ lịch sử sẽ diễn ra vào sáng hôm sau nơi đền thiêng Đất Tổ. Nhiều người trong số họ háo hức, mau lẹ bước chân khi biết rằng lần đầu tiên mình được gặp Bác Hồ, chuẩn bị nhận một trọng trách thiêng liêng. Vị lãnh tụ đã đợi những người lính từ chiều hôm trước sau khi đến trên chiếc Comăngca KT-032 từ Thái Nguyên. Chặng đường rừng từ vùng gió ngàn Thái Nguyên về Phú Thọ, Bác còn ghé thăm một đơn vị bộ đội tình nguyện vừa chiến đấu từ Lào về đóng quân ở huyện Đoan Hùng. Chính ủy Đoàn Tiên phong Song Hào, Phó Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương Thanh Quảng và nhà báo Đinh Đăng Định đã đến sớm hơn...

Đền Hùng ngày đầu tháng 10/2014. Khắp ngả đường quanh núi rừng già đền thiêng tiết thu mát mẻ, khang trang, sạch sẽ. Có cô gái trẻ mặc áo dài rất đẹp của Ban quản lý Khu di tích đón chào, giới thiệu, kể chuyện ngôi đền…

Bác Hồ dừng chân bên cổng chính vào Đền Hùng năm 1954

Câu chuyện xúc động của cô hướng dẫn viên kể về lần đầu Bác đến thăm Đền Hùng đã khiến nhiều người lặng đi hồi lâu. Buổi sáng 19/9/1954, Bác cũng từng đứng hồi lâu trước cổng Đền uy nghiêm này trước lúc bước lên 490 bậc đến Điện Kính thiên đỉnh núi. Gần trăm năm, cổng Đền còn đó nguyên vẹn. Cây thông ba trăm tuổi thân cành to vững vàng, hai ông tượng gác cổng cầm khiên đao uy lực. Bức ảnh của nhà báo Đinh Đăng Định có lẽ chụp vội khi Người tạm dừng chân gần bức đại tự trên cổng “Cao sơn cảnh hành”. Nhiều người giờ được xem bức ảnh này đã đứng rất lâu trước cổng Đền như muốn hình dung bối cảnh 60 năm trước Bác đứng ở đây.

Hôm ấy Bác dậy sớm lắm. Dường như cả đêm Người không ngủ. Bác mặc quần áo nâu giản dị, khoác thêm áo kaki bên ngoài, dép cao su và vành thêm cái khăn nhỏ. Bên gốc cây Thiên tuế gần ngàn năm tuổi ở Đền Hạ, các đồng chí Song hào, Thanh Quảng đã kịp thời báo cáo Bác từng chi tiết một kế hoạch trọng đại: Tiếp quản Thủ đô. Giữ nhịp chân khỏe mạnh bước lên Đền Thượng cao ngất. Leo núi phải leo đến đỉnh. Làm cách mạng không thể ngừng bỏ giữa chừng. Bác nói thế. Sau khi khấn vái Tổ Tiên, Bác sang viếng Mộ Tổ, rồi xuống Đền Giếng. Bộ đội quân Tiên phong đã tề tựu đông đủ. Sau khoảnh khắc ồn ào vui mừng gặp Bác, họ trật tự nhanh chóng.

Bên bậc cửa nhà đại bái phía trước Đền Giếng, Bác hỏi thăm sức khỏe bộ đội. Người ngồi xuống sau khi ra hiệu cho bộ đội ngồi xuống sân. Hai đồng chí Song Hào và Thanh Quảng ngồi hai bên dưới thềm hè. “Hôm nay Bác cháu ta gặp nhau ở đây có ý nghĩa rất to lớn vì Vua Hùng là vị khai quốc. Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Tám năm kháng chiến thắng lợi, quân và dân ta có nhiều công lao, thành tích. Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Các chú nhất định phải tiếp quản thận trọng, chu đáo, có kỷ luật, giữ gìn quân cương, quân kỷ, bảo đảm trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…”.

Đền Giếng trong quần thể Đền Hùng

Bác nhắc nhở những nhiệm vụ cần thiết khi bộ đội vào Thành phố. Về tiếp quản Thủ đô là vinh dự lớn, phải chú ý giúp đỡ nhân dân, lại không để mình sa ngã vì cám dỗ nơi thị thành, không bắt chước lối sống xa xỉ, ăn diện, mua bán, tự do, nhất định phải sinh hoạt tiết kiệm, tránh những “viên đạn bọc đường” dễ sinh ra tham ô, hư hỏng… Chuyện kể của cô hướng dẫn viên tuy không tỷ mỷ lắm nhưng đoàn khách hành hương vẫn bị cuốn hút như đang được sống trong khoảnh khắc cùng Đại đoàn quân Tiên phong bên Bác năm xưa. Một đại đoàn có Trung đoàn chủ lực 102 Anh hùng lừng lẫy chiến công ra đời ở Thủ đô được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ. Trước ngày rút quân cuối cùng để bảo vệ nhân dân và bộ đội qua cầu Long Biên hướng về Việt Bắc dưới làn đạn Pháp khắp ngõ Thủ đô, họ là những chàng trai vừa chớm tuổi mười tám, đôi mươi hừng hực máu lửa quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh mùa đông 1946. Bác đã chọn những người lính Hà Nội để trở về tiếp quản Thủ đô, cũng là những người con Hà thành từng thầm nói lời ước hẹn ngày trở về nơi “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” cùng Tư lệnh Vương Thừa Vũ…

Lời căn dặn từ Đền thiêng nơi Đất Tổ, dựng nước đi đôi với giữ nước, không chỉ dành cho Đại đoàn quân Tiên phong, mà cho toàn quân, toàn dân, cho cả thế hệ mai sau, vừa hàm ơn sâu sắc tri ân Tổ Tiên, lại nhắc nhở trọng trách cho muôn đời con cháu Lạc Hồng. Mười cuộc chiến tranh từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long đến nay, câu nói của Bác khái quát cả bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Bức phù điêu bằng đá cao rộng dựng ở ngã năm Đền Giếng ngày nay sừng sững ghi lại khoảnh khắc lịch sử 60 năm về trước. 

Bác Hồ và Chính ủy Song Hào cùng Phó Chánh Văn phòng Thanh Quảng

Bộ đội quân Tiên phong mang theo lời căn dặn của Bác tiến về Hà Nội. Cờ hoa Hà thành đón chào rực rỡ. Trưa hôm ấy, Bác trở lại Việt Bắc ngay, chuẩn bị họp với Trung ương để Người trở về Thủ đô ba tuần sau đó.

* * *

Nhà Thương Đồn (bệnh viện TW Quân đội 108 ngày nay) của người Pháp dựng lên rộng mênh mông những tòa ngang, dãy dọc. Chiều 12/10/1954, căn phòng nhỏ nhưng thoáng mát khéo léo nhìn ra đường Trần Khánh Dư, đón lãnh tụ Hồ Chủ tịch đến ở. Người trở về từ thôn Vai Cầy, Tuyên Quang đi theo một con đường đặc biệt mà Trung ương đã kỹ lưỡng chuẩn bị. Hai tháng sau Bác mới chuyển đến “Nhà 54” gần Phủ Chủ tịch (tức Phủ toàn quyền Đông Dương), và đó chỉ là một ngôi nhà cấp bốn để hoang của người thợ điện chế độ cũ bỏ lại nằm ven bờ ao.

Nhà Bác ở thời kỳ đầu về tiếp quản Thủ đô

Bác từ chối ở trong Phủ Chủ tịch khang trang, to đẹp. “Tòa nhà to này từng của người Pháp nhưng do máu xương lao động của dân ta xây cất nên. Nó phải thuộc về nhân dân làm chủ. Bác ở nhà cấp bốn này là đủ rộng rồi, lại gần nhà Phủ đi sang họp cũng rất tiện…” – Bác giản dị, nhắc mấy chiến sỹ cảnh vệ dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ căn nhà nhỏ.

Không ngớt những dòng người đến thăm căn ba gian nhà ấy từ 60 năm qua. Ngày đầu thu tháng 10/2014, đoàn khách nước ngoài đủ cả Anh, Pháp, Mỹ, Canada… đi vòng quanh ao cá, dừng lại bên căn nhà rất lâu. 

Hơn 600 địa điểm có di tích lưu niệm ngày Bác Hồ về thăm trên toàn quốc, hẳn là Đền Hùng có ý nghĩa rất đặc biệt. Một dân tộc có Tổ có Tông, chịu nhiều đau thương mất mát vì chiến tranh đang vẫn ngàn năm đoàn kết giữ nước. Lời dặn từ Đền thiêng hướng về Hà Nội đậm lại khí phách và trọng trách của từng người Việt. Hà Nội hôm nay tươi rói nụ cười. Cờ đỏ khắp ngõ phố tưng bừng kỷ niệm 60 năm ngày Thủ đô giải phóng. Càng ngấm thấm trong thông điệp từ lời căn dặn thiêng liêng của Bác năm xưa. Cảm xúc yêu Hà Nội chen trong tiếng xe đi náo nức ngày tháng Mười… 

Phòng làm việc của Bác có hai bức ảnh lớn Các Mác và Lê Nin treo trên cao, một cái bàn làm việc to bên dưới có viên đá chặn giấy nhỏ hơn nắm tay chèn lên một cuốn tài liệu màu đã cũ. Hai cái ghế ngồi tiếp khách phía giáp tường. Góc kia có con búp bê của một người Nga tặng Bác. Rồi phòng ăn ấm cúng có cái cặp lồng bằng nhôm trắng nhỏ. Bác có ý nhắc cán bộ đi về thăm làm việc với các địa phương thì mang theo cặp lồng cơm để chủ động ăn chứ không làm phiền nhân dân đang đói nghèo. Gian còn lại là phòng ngủ đơn sơ có cái giường đơn rải chiếu mộc ngả màu vàng giản dị. Chiếc bàn xoay nhỏ do Chủ tịch Cu Ba Phi del Castoro tặng đặt ở góc cuối. Gần đó là bức tượng nhà thơ lớn Khuất Nguyên của nhân dân Trung Quốc tặng Bác… Phía đầu nhà có cây Xanh Bốn Mùa mà Bác mang từ Trung Quốc về trồng, mong muốn cây được nhân ra trồng ở những con phố để người lao công đỡ vất vả mùa lá rụng. Ao cá bên cạnh được cải tạo thành “Ao cá Bác Hồ”. Bác muốn khắp các địa phương có ao cá như thế để nhân dân có cá ăn dịp Tết đến. Có người Mỹ trong đoàn khách thốt lên, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng giản dị thì càng thấy vĩ đại… Bốn năm Bác ở trong căn nhà ấy, tiếp đón không biết bao nhiêu nguyên thủ thế giới đến thăm và làm việc, sau Bác mới chuyển sang căn nhà sàn gần đó bằng gỗ dổi. Giờ căn nhà còn nguyên vẹn tất cả, hình bóng Người cũng còn mãi ở đâu đây. Bên ngoài có vườn rộng Bác đặt tên cho từng cây. Ngày về thăm Đền Hùng, Bác nhắc mọi người hằng năm trồng thêm cây cối để Đền thiêng mát mẻ, xanh tươi cho nhân dân hành hương dừng chân nghỉ ngơi. 5 năm sau Bác phát động Tết trồng cây toàn quốc.