Bê tông hóa vịnh Hạ Long
Báo Tiền Phong có loạt bài phản ánh tình trạng xâm hại nghiêm trọng tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hàng chục công trình không phép đang bê tông hóa vùng lõi di sản.
UBND tỉnh Quảng Ninh khảo sát, kiểm tra và ra văn bản 9416 gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này nêu ra hàng loạt các công trình trái phép đã và đang xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới như: Công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh; công trình kè đầm tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đầm tại Vụng Ong; công trình kè đầm hòn Vụng Hà…
Thực tế theo khảo sát của phóng viên, những công trình vi phạm trên chỉ là một phần trong số hàng loạt công trình đang bê tông hóa các hòn đảo giữa vịnh. Tại khu vực đền Bà Men, từ ngôi miếu nhỏ nay người ta dựng ngôi đền bê tông cốt thép quy mô lớn.
Ngoài ra một số doanh nghiệp đổ cát lấn biển làm bãi tắm cho du khách, làm công trình phụ trợ khiến tình trạng bê tông hóa ở giữa Vịnh xảy ra rất nghiêm trọng.
Bộ VHTTDL vào cuộc kiểm tra, UNESCO đang xử lý theo quy trình để có khuyến nghị phù hợp.
Công trình sai phạm nghiêm trọng ở Tràng An
Công trình đường dẫn lên núi do Cty CP Du lịch Tràng An xây dựng từ giữa năm 2017, đã thực hiện đón khách. Công trình gồm khoảng 2 nghìn bậc thang đá được xây dựng không phép dẫn lên núi Cái Hạ.
Đây là vùng lõi di sản Tràng An. Việc xây dựng này vi phạm điều 13 Luật Di sản Văn hóa, phá vỡ cam kết với UNESCO.
Sau quá trình làm việc xác định sai phạm, Thanh tra Bộ VHTTDL khi ấy khẳng định dù tháo dỡ nhưng công trình vẫn ảnh hưởng tới di sản bởi khối lượng khổng lồ nguyên vật liệu, quá trình thi công khoan cắt vào núi đá, chặt cây cối.
Công ty này không chỉ xây dựng công trình khổng lồ vi phạm trong vùng lõi di sản, còn vi phạm một số nội dung khác: Sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hành nghề, sử dụng xuồng đò đón khách nhưng đội ngũ lái đò chưa được tập huấn và đào tạo dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cho du khách.
Công ty này tự ý phát hành vé và thu của khách 45 nghìn/người khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền về phí và lệ phí cho phép. Tự ý nhân bản đĩa DVD tuyên truyền quảng bá du lịch nhưng nội dung đĩa chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép, đĩa không dán tem lưu hành. Đăng bảng biển có nội dung giới thiệu khu vực này là Tràng An cổ, tuy nhiên không xuất trình được hồ sơ và tư liệu khoa học chứng minh.
Xây dựng công trình mới ở di tích quốc gia chùa Khúc Thuỷ (Thanh Oai)
Ngôi chùa cổ được công nhận Di tích quốc gia xuất hiện hàng loạt hạng mục xây mới như nhà Tăng, nhà Ni, tượng đài Phật, bếp ăn của nhà sư và phật tử. Tam quan tới Tiền đường được tân trang, thay đổi diện mạo hoàn toàn trong quá trình tu bổ gắn mác công trình 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hơn 100 pho tượng Phật ngồi trên bệ sen đặt trong sân chùa, hơn 50 tháp đá đều thuộc diện do người dân công đức được đặt vô tội vạ trong di tích.
Điều đáng nói là chính quyền dường như bó tay với những sai phạm này. Hình thưc xử lý cũng như phương pháp khắc phục không đến nơi đến chốn.
Phá đình 300 tuổi
Câu chuyện đình Lương Xá là ví dụ điển hình cho việc chính quyền địa phương thiếu hiểu biết, trách nhiệm khi không xin ý kiến nhà quản lý, nhà chuyên môn mà tự ý hạ giải đình cũ, thay bằng ngôi đình bê tông vi phạm Luật Di sản văn hóa, các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Hai chiếc cổng cũ giáp gác chuông chùa Bối Khê bị dỡ bỏ, thay vào đó nhà chùa cho xây dựng cổng hoàn toàn mới, kiến trúc không ăn nhập với cổng cũ. Hiện một bên cổng hoàn thành, bên còn lại còn dang dở.
Tháng 11/2018 nhà chùa đập cổng bên phải gác chuông nhưng chính quyền xã Tam Hưng không báo cáo sự việc lên UBND huyện Thanh Oai. Sau đó, Sở VHTT Hà Nội nhận được thông tin đã đề nghị Phòng VHTT huyện Thanh Oai vào cuộc, tuy nhiên UBND xã không có văn bản báo cáo.
Sở VHTT Hà Nội có văn bản số 5006 đề nghị UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND xã Tam Hưng kiểm tra, có biện pháp xử lý và báo cáo gửi Sở trước 18/12/2018. Thực tế, địa phương chưa hề có báo cáo gửi Sở.
Chùa Bối Khê kết cấu theo kiểu “Nội công ngoại quốc” với các hạng mục như: Ngũ môn quan, gác chuông, tiền đường, tả hữu hành lang, thượng điện, hậu đường, điện Thánh, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà vong và các công trình phụ trợ.
Trải qua thời gian, di tích đã tiến hành tu sửa, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính trang nghiêm của ngôi chùa cổ, có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật.