Loạt cây xăng ở Hà Nội bất ngờ ngừng bán, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn

TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 30/1, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường Hà Nội và nhiều địa phương liên tục kiểm tra, giám sát nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp tiếp sau việc có một số cây xăng ở khu vực Hà Nội đã bắt đầu hạn chế bán xăng, dầu. 

Vì sao cây xăng đóng cửa?

Theo ghi nhận của Tiền Phong, tiếp sau nhiều cây xăng ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam đóng cửa nghỉ bán, nhiều cây xăng ở khu vực Hà Nội dọc tuyến Đại lộ Thăng Long, hướng từ Hà Nội đi Hòa Lạc, qua địa phận huyện Hoài Đức vào huyện Quốc Oai đã đóng cửa và treo biển hết xăng. Một vài cửa hàng mở cửa thì thông báo hết xăng, chỉ còn dầu.

Cụ thể, theo phản ánh, như tại cửa hàng xăng dầu Yên Sơn (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai), khi người dân vào đổ xăng, nhân viên thông báo do không nhập được hàng nên cây xăng đã không còn xăng để bán.

Một số cây xăng dọc đại lộ Thăng Long chỉ bán xăng hạn chế ở mức 40.000 - 50.000 đồng cho xe máy và 200.000 đồng cho xe ô tô.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho biết, tình hình của các doanh nghiệp khá căng do giá bán lẻ trong nước hiện thấp hơn so với giá thế giới gần 2.000 đồng/lít.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các cây xăng quanh khu vực Hà Nội

Theo vị này, diễn biến thị trường đang diễn ra tương tự với giai đoạn sau Tết năm 2022 do mức chênh lệch giá quá lớn. Các doanh nghiệp đầu mối cũng bị lỗ nên không thể cắt chiết khấu cho các thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ. Việc lỗ dây chuyền khiến các đại lý bán lẻ vốn ít nên bị cụt vốn, không còn nguồn lực để nhập xăng về bán.

“Đây là điều rất khó xử lý và rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu như năm 2022. Doanh nghiệp không thể bán lỗ mãi được. Cơ quan quản lý cũng không thể xử lý, xử phạt doanh nghiệp bán lẻ khi doanh nghiệp không còn nguồn tiền để nhập hàng vì bị lỗ kéo dài”, vị này nói.

Đã đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu từ trước Tết

Trước việc nhiều cây xăng ở khu vực Hà Nội bắt đầu hạn chế bán, ngày 30/1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, đã lập 3 tổ công tác tăng cường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm soát, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, 3 Tổ công tác được giao nhiệm vụ trực tiếp xuống địa bàn nắm bắt thực tế hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Qua kiểm tra, kiểm soát sơ bộ, các tổ công tác đánh giá, nhìn chung các cửa hàng vẫn mở cửa phục vụ người dân bán hàng theo đúng thời gian và giá bán đã niêm yết. Tuy nhiên có một số cửa hàng tạm ngừng bán hàng vì chưa kịp nhập hàng về.

Tổ công tác đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường giám sát, xác định nguyên nhân để có những xử lý nếu có hành vi vi phạm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối xăng dầu không nằm trên địa bàn Hà Nội nếu có vi phạm. Lực lượng Quản lý thị trường cũng thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh các cửa hàng xăng, dầu trong việc nhập hàng để đảm bảo đủ xăng dầu phục vụ nhân dân, không để gián đoạn việc bán hàng.

Quản lý thị trường kiểm tra bồn chứa xăng của các doanh nghiệp

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường trực 100% quân số, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định.

Các Cục Quản lý thị trường cũng được giao phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

“Ngay trước thềm năm mới, lãnh đạo Bộ đã kịp thời kiểm tra và đưa ra những mệnh lệnh rất quyết liệt. Đích thân Bộ trưởng Công Thương đã có chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc bỏ qua cho các đối tượng, hành vi vi phạm cũng sẽ bị xử lý.

Riêng về việc điều hành giá, từ trước Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã có đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ trong nước kịp thời, không để doanh nghiệp bị lỗ quá lớn”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong suốt dịp Tết, lực lượng Quản lý thị trường đã liên tục kiểm tra các cây xăng trên toàn quốc. Tổng cục cũng đã lập Tổ công tác giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Theo ghi nhận chung, các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu đều đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng... Một số cửa hàng đóng cửa một thời gian ngắn do hết hàng, nhà phân phối vận chuyển hàng về chậm.