Lò than trái phép bức tử môi trường sống

TP - Người dân tại thôn Tân Lập, xã Cư Đliê M’nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk kêu cứu về việc nhiều lò than hoạt động suốt ngày đêm của Cty TNHH MTV Phúc Minh (Cty Phúc Minh), do ông Đoàn Bằng Giang làm chủ, đang bức tử môi trường sống.
Cán bộ địa chính xã Đliê Ya không biết lò than xây dựng trên đất nông lâm nghiệp.

"Tổ hợp” lò than của ông Giang được hình thành từ năm 2011, đến nay đã hình thành cả chuỗi 12 lò. Mỗi ngày, ông này cho đốt từ 7 đến 8 lò, tỏa khói và thán khí mịt mù  khiến người dân ngột ngạt, khó thở. Dù trước đó ông Giang đã ký bản cam kết chỉ được đốt mỗi lần từ 3 đến 4 lò, kết thúc mới được đốt tiếp. “Từ sáng đến tối gia đình tôi không dám mở cửa vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các con. Đến cuối tuần, con không đi học, chúng tôi đành phải gửi sang nhà họ hàng để tránh khí độc” - Chị Hòa nói.

Không chỉ “tra tấn” lá phổi của người dân, lò than của Cty Phúc Minh còn làm giảm năng suất cây trồng của địa phương. Anh Trần Quốc Tiến (SN 1975 – trú tại thôn 2) cho biết, gia đình anh có  4 ha cà phê đối diện với lò than của Cty Phúc Minh . “Trước đây, mỗi vụ cà phê, gia đình tôi thu được 4 tấn/ha, nay do ảnh hưởng của lò than sản lượng giảm đi một nửa. Việc đốt than mang lại lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp, nhưng gây hại cho dân. Chúng tôi đã nhiều lần trực tiếp kiến nghị, nhưng ông Giang không giảm mà còn đốt ngày càng nhiều hơn” - Anh Tiến phàn nàn.

Ông Lê Hồng Thoan, Trưởng thôn Tân Thành cho biết: Thôn từng làm đơn kiến nghị, có đoàn về kiểm tra, nhưng sau đó lò than vẫn tiếp tục đốt. “Tôi làm trưởng thôn hơn 10 năm nay, người dân nhiều lần kêu la vì ô nhiễm khói bụi từ lò than. Thiệt hại do lò than gây ra là không thể tính hết . Chúng tôi đã đi hỏi huyện,huyện trả lời không có thẩm quyền, không đủ chức năng giải quyết. Người dân chúng tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Văn Chỉ - Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar xác nhận, huyện đã nhiều lần nhận đơn phản ánh của người dân và có cử cán bộ xuống kiểm tra để có biện pháp xử lý. Cty Phúc Minh đã bị xử phạt hành chính nhiều lần, huyện đã cho thời hạn để khắc phục ô nhiễm như chỉ cho phép hoạt động 3 lò để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay huyện đã yêu cầu Cty Phúc Minh tìm địa điểm mới, di dời lò than . Nếu công ty này vẫn gây ô nhiễm, huyện sẽ có văn bản kiến nghị lên tỉnh thu hồi giấy phép hoạt động.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở TNMT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, qua các đợt tiếp xúc cử tri đơn vị đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân về vấn đề ô nhiễm do lò than gây nên. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu Cty Phúc Minh vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường thì huyện có quyền thu hồi giấy cam kết bảo vệ môi trường do huyện cấp, và tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở .

Lò than trái phép xây dựng khắp nơi

Theo báo cáo của Phòng TNMT huyện Krông Năng, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 5 lò than hoạt động, nhưng chỉ có 1 lò than của ông Trần Tuấn tại thị trấn Krông Năng có giấy chứng nhận cam kết bảo vệ môi trường, 4 lò than còn lại thì không. Lò than của ông Đặng Văn Xuân gây ô nhiễm, khiến người dân tại thôn Tân Thành, xã Ea Toh làm đơn kiến nghị phải di dời. Ông Xuân đã chuyển lò than qua xã Đlêi Ya. Khi chúng tôi đến làm việc, cán bộ địa chính xã Đlêi Ya không hề hay biết lò than này đã dời lúc nào, đến đâu ông Mai Quốc Doanh - Trưởng phòng TNMT huyện Krông Năng cho rằng thẩm quyền xử lí vi phạm của các lò than là của cấp xã” - ông Doanh nói.

Báo cáo của Phòng TNMT huyện Ea Kar cho thấy, huyện này có rất nhiều lò than hoạt động trái phép nên đã phối hợp lực lượng giữa Kiểm lâm với UBND các xã cưỡng chế. “Chúng tôi đã tiến hành rà soát, đến nay về cơ bản đã hoàn thành việc đề nghị các lò than ngừng hoạt động, tháo gỡ. Các lò than này không được cấp phép, chủ yếu đốt củi tái canh cây cà phê, không đốt gỗ rừng” - Ông Nguyễn Đức Đông, Phó phòng TNMT huyện Ea Kar khẳng định.

Tại các huyện Krông Ana, Krông Pắk, huyện Ea Súp, các phòng TNMT cũng chưa thống kê được hết số lò than gây ô nhiễm môi trường, và xây dựng trái phép trên đất nông, lâm nghiệp.