> Giám định tâm thần kẻ khống chế 2 cháu bé trường mầm non
Nỗi lo
Đôi mắt lim dim, ông Phạm Văn H. (53 tuổi, ở Bình Dương) ngồi bất động trước các bác sĩ ở Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM trong buổi giám định về sức khỏe sáng 17-10.
Ông H. được một cán bộ ở Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Dương đưa về giám định để biết có hay không bị tâm thần.
Cách đây một tháng, người này đã mở khóa vào trạm tiếp sóng của Viettel ở Bình Dương phóng hỏa, gây thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Người con rể của ông H., cho biết bố mình nghiện rượu từ 10 năm nay và thường xuyên gây gổ với mọi người lúc thiếu rượu.
“Có những lúc ông hoang mang lo sợ, nhiều lần đập đầu vào tường tự tử, thậm chí mua thuốc trừ sâu về uống tìm đến cái chết nhưng không thành”- người con rể kể lại.
Xem các hồ sơ bệnh án, cũng như lời khai từ ông H. và người thân, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang- Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM cho biết ông H. bị loạn thần do rượu- một dạng bệnh tâm thần.
“Ông H. có nhiều lần nói với mọi người rằng do vợ chết nên buồn và phải tìm đến rượu. Nhưng thực tế vợ ông không chết. Điều này cho thấy ông tìm cách đánh lừa mọi người để đạt mục đích là uống rượu, sau đó phá hoại tài sản thậm chí là có hành vi bất lương”- bác sĩ Quang nhận định. “Họ có thể làm rất nhiều việc mà không ai ngăn cản được khi cơn xung động thần kinh gây nên. Ông H. cũng vậy. Việc đốt trạm phát sóng nhưng sau đó ông không biết hành vi của mình và cứ tưởng mình đang đốt rác”- bác sĩ Quang tiếp.
Chỉ vì một bé gái 6 tuổi vô tình đổ ly sinh tố vào người mà Trương V. K. (22 tuổi, ở quận 12, TPHCM) đã dùng dao dâm 30 nhát vào người khiến bé trọng thương.
Khi được công an quận 12 đưa đến giám định tâm thần vào cuối tháng 9 vừa qua, K. bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Bác sĩ Trần Đình Phương- giám định viên thuộc Trung tâm pháp y tâm thần TPHCM cho biết, qua khai thác phát hiện K. không giao tiếp với mọi người, có biểu hiện của rối loạn hành vi.
“Việc K. ra tay tàn bạo với một đứa trẻ 6 tuổi chỉ vì một lỗi như vậy đủ cho thấy K. bị một cơn xung động dữ dội vốn kìm nén lâu nay”- bác sĩ Phương
nhìn nhận.
Ai quản?
Có khoảng 10.000 người đang mắc tâm thần sinh sống ở TPHCM và 3.000 trong số đó hiện đang chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa và trung tâm bảo trợ xã hội, số còn lại vẫn đang sống ở cộng đồng.
Tuy nhiên, chẳng có gì để nói nếu những người tâm thần ở cộng đồng vẫn sống “hiền hòa” như người khác và không gây ra các vụ án chết người.
Bác sĩ Quang cho biết người mắc tâm thần đang tăng lên nhưng chỉ khi họ gây ra những hậu quả nặng nề gia đình và xã hội mới quan tâm.
“Thực tế những người tâm thần sống ở cộng đồng có khi rất hiền hòa, chẳng bao giờ quậy phá, thậm chí không bao giờ gây hại cho ai. Nhưng rồi họ có những hành động như giết người, hiếp dâm, đốt nhà… khiến những người xung quanh không trở tay kịp. Đó chính là do những cơn xung động xuất hiện ở người tâm thần. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể gây ra nguy hiểm”- bác sĩ Quang nói.
Trong khi 2 cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM có thể tiếp nhận nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 2.500 bệnh nhân ở dạng nặng, đối tượng người lang thang thì hàng nghìn người tâm thần ở cộng đồng vẫn chưa có hướng quản lý hiệu quả.
Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM, thì mô hình quản lý chăm sóc, điều trị người tâm thần ở cộng đồng ở quận huyện, phường xã vẫn đang trình thành phố để xem xét.
Ông Giang cho rằng, việc xây dựng mạng lưới tham vấn chuyên nghiệp như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội ở phường, xã để có thể tư vấn, trợ giúp gia đình chăm sóc người bệnh tâm thần đạt hiệu quả là rất khó khăn.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ - Phó giám đốc BV Tâm thần TPHCM cho biết, hiện có khoảng 500 bệnh nhân được điều trị nội trú tại bệnh viện này.
“Có những bệnh nhân tâm thần lang thang chủ yếu điều trị ngoại trú, bị bệnh thời gian dài khiến trạng thái tâm thần sa sút do không được dùng thuốc đều đặn và không được gia đình quan tâm, giúp đỡ”- bác sĩ Trụ nói.
“Có những người tâm thần dù không kiểm soát được hành vi do rối loạn tri giác nhưng nếu được điều trị đúng, đều vẫn hiệu quả và họ không gây nguy hại. Tuy nhiên những người này rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và thông cảm của cộng đồng và người thân”- bác sĩ Trụ cho biết.
Bỏ ngỏ
Tốc độ phát triển kinh tế, áp lực từ cuộc sống… khiến cho người mắc tâm thần đang tăng lên. Tuy nhiên, theo bác sĩ Quang đến nay chúng ta vẫn chưa có một đơn vị thực sự chuyên về quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Hiện mạng lưới tâm thần chỉ quản lý bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt, được cấp thuốc miễn phí.
Trong khi những bệnh tâm thần dạng khác như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, sa sút tâm thần, kích động do loạn thần vì uống rượu… vẫn chưa quản lý được. Vì vậy, nếu gia đình và cộng đồng không quan tâm, họ thực sự không biết dựa vào đâu.
Theo lãnh đạo BV Tâm thần TPHCM cái khó trong khám chữa bệnh tâm thần hiện nay là nước ta chưa có luật về người mắc bệnh tâm thần hay hành lang pháp lý để bảo vệ nhân viên làm trong lĩnh vực điều trị tâm thần.
Vì vậy mà mỗi năm ngành tâm thần cần tuyển khoảng 15 bác sĩ chuyên khoa nhưng bác sĩ vẫn quay lưng với lĩnh vực này.
“Ba năm trở lại đây bệnh viện tâm thần TPHCM không có bác sĩ nộp hồ sơ vào làm việc cho dù nhu cầu tuyển dụng rất cao”- lãnh đạo BV Tâm thần cho biết.