Sáng 29/5, trình bày Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay, dự luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của gia đình trong việc tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo.
Bên cạnh đó, dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng thực hiện việc đóng học phí như sinh viên các ngành khác.
Theo ông Nhạ, hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm: học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về những nội dung trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, đa số thành viên Ủy ban tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.
Về bảo vệ nhà giáo, Ủy ban cho rằng, nhà giáo là đội ngũ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách, dẫn đến hạn chế trong thi hành.
Vì vậy, Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong Luật; quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách (đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc, thăng tiến…) tương xứng với vị thế đã được xác định; làm rõ mối quan hệ và trách nhiệm tương hỗ giữa Nhà nước – Nhà giáo – Người học (và gia đình người học), làm căn cứ để xây dựng Luật Nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt nhất trọng trách của mình.