Không biết cầu cứu ở đâu?
Video clip lan truyền với tốc độ rất nhanh. Việc này gây tác động rất mạnh đến tâm lý của nữ sinh, kết quả đau lòng là nữ sinh đã quyên sinh. Có một câu nói của nữ sinh trong thời gian 3 ngày chạy chữa cho em tại bệnh viện và làm cho tôi hết sức suy nghĩ đó là “xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu””, bà Hải kể và cho rằng, chính mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên. Do đó, vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp gì ứng cứu khẩn cấp với gia đình trong suốt thời gian ba ngày đó? Gia đình cũng không biết cầu cứu ở đâu và cũng không biết liên hệ với ai để ngăn chặn việc phát tán này…?
“Việc bảo vệ thanh thiếu niên trước những tác động xấu mạng internet, mạng xã hội là hết sức cần thiết. Và việc xây dựng Luật an toàn thông tin sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của mạng Internet, mạng xã hội. Vì thế tôi tha thiết đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đảm bảo an ninh thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng”.
ĐB Nguyễn Thanh Hải
Bà Hải cho biết, khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son về câu chuyện đau lòng trên thì được biết, video clip do bạn trai đưa lên mạng thuộc loại thông tin riêng và chưa được quy định rõ ràng trong luật. “Việc bảo vệ thanh thiếu niên trước những tác động xấu mạng internet, mạng xã hội là hết sức cần thiết. Và việc xây dựng Luật An toàn thông tin sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của mạng internet, mạng xã hội. Vì thế tôi tha thiết đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đảm bảo an ninh thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng”, bà Hải nói.
ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), đề nghị bổ sung các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thu thập thông tin, nhưng sử dụng sai mục đích ban đầu và làm phát tán thông tin cá nhân khi không được phép của người cung cấp thông tin. ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) thì đề nghị nghiêm cấm việc giả mạo tên cá nhân, tổ chức để thành lập các trang mạng, blog, facebook... để đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân, tổ chức bị giả mạo.
Ai kiểm định thiết bị có gắn mã độc?
Phản ánh nỗi lo về mất an toàn thông tin, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho hay, mỗi lần vào mạng đều có cảm giác truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, rất bất an. “Luật phải bổ sung các quy định để bảo đảm các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai minh bạch những ứng dụng, những liên kết trong thông tin mạng cho người sử dụng dịch vụ. Luật cũng cần tập trung điều chỉnh những hành vi thu thập, sử dụng, lưu trữ trái phép thông tin của người khác”, ông Hùng đề nghị.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, tình trạng tấn công mạng là nguy cơ mà diễn ra hằng giờ, hằng ngày và mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. ĐB Nhân cho rằng, không thể làm ngơ trước cảnh báo của hãng bảo mật Kaspersky và Symantec khi họ cho rằng Việt Nam là nước đứng đầu danh sách các quốc gia có người dùng internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ cao nhất thế giới. Việc lây lan virút dính mã độc đa phần là do thói quen sử dụng các dịch vụ miễn phí trên internet và bị cài mã độc vào điện thoại thông minh.
Trong khi đó, theo ông Nhân trên thị trường hiện nay các cửa hàng bày bán rất nhiều thiết bị điện thoại thông minh, cấu hình vô cùng mạnh, nhưng giá vô cùng rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc... “Ai kiểm soát cho phép nhập khẩu và bày bán. Ai kiểm định các thiết bị có an toàn, có cài đặt mã độc hay không? Làm sao để kiểm soát, kiểm tra, dán tem hợp chuẩn cho các thiết bị đã và đang lưu hành hiện nay”, ông Nhân nói và cho rằng, việc đòi hỏi người tiêu dùng phải thông minh, phải hiểu biết và có trách nhiệm để tự bảo vệ thông tin cho chính mình khi sử dụng dịch vụ và các thiết bị vừa nêu, xem ra là quy định đánh đố cần phải xem lại”, ông Nhân nói.