Theo quy định tại Nghị định 126/NĐ-CP, từ hôm nay, 5/12, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.
Trường hợp DN nộp thiếu sẽ phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế thiếu. Thời hạn tính khoản chậm nộp này kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Như vậy, quy định trên, nếu DN nộp thuế TNDN trong 3 quý đầu năm thấp nhưng sang đến quý 4, nộp thuế cao, đột biến, khiến mức nộp thuế 3 quý đầu năm thấp hơn dưới 75% tổng số thuế TNDN phải nộp, sẽ bị coi là chậm nộp và bị xử phạt.
Chị Hoài Anh (38 tuổi, Hà Nội) đại diện một DN kinh doanh bánh, mứt kẹo Tết không giấu khỏi lo lắng vì rất khó để biết trước quý 4 mình lãi bao nhiêu mà quý 3 lo nộp thuế cho đủ 75%.
“Ví dụ, quý 1 lãi 100 triệu đồng, tạm nộp 20 triệu; quý 2 lãi 100 triệu, tạm nộp 20 triệu; quý 3 lãi 100 triệu, tạm nộp 20 triệu; Số thuế TNDN tạm nộp 3 quý là 60 triệu. Quý 4 lãi 200 triệu, tạm nộp 40 triệu. Cộng cả năm 2020 lãi 500 triệu, thuế phải nộp 100 triệu đồng. Nếu theo Nghị định 126, DN phải tạm nộp thuế TNDN không thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm, tức bằng 100 triệu x 75% = 75 triệu đồng. Với trường hợp trên, DN đã nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm: 75 – 60 = 15 triệu đồng và sẽ phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu từ ngày 31/10/2020”, chị Hoài Anh tính nhẩm.
Thực tế này có thể khiến nhiều DN xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa theo mùa vụ (nhất là dịp Tết) cảm giác bất an, lo lắng. Nếu nộp thuế quý 4 cao hơn nhiều so với quý trước, chắc chắn sẽ đối diện với nguy cơ phạt chậm nộp.
Bình luận về bất cập này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, ngành thuế đang rốt ráo xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126. Các quy định của Nghị định 126 sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2021, chứ không phải 2020.
Theo ông Minh, chính sách nộp thuế trước đây tạo điều kiện cho DN, nhưng có nhiều DN lách luật, lợi dụng giảm nộp thuế trong 3 quý đầu năm, đến quý 4 mới nộp dồn vào NSNN. Như vậy, số thuế TNDN phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước đó bị chiếm dụng và DN chỉ nộp vào năm sau, gây ảnh hưởng đến cân đối thu ngân sách mỗi năm. Điều này khiến những DN thực hiện đúng quy định bị chịu thiệt, không công bằng so với DN lợi dụng kẽ hở, lách luật.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cũng cho rằng, các trường hợp DN có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý 4 mà họ không dự kiến được trước không phải phổ biến.
Hiện vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định 126, tuy nhiên, nhiều DN kiến nghị giữ nguyên quy định DN được tạm nộp thuế TNDN không thấp hơn 80% thuế thu nhập cả năm, thời hạn cuối để tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của 4 quý là hết tháng 1 năm sau.