Lo doanh nghiệp công nghệ cao tháo chạy

TP - Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin - điện tử với chính quyền TPHCM ngày 31/8, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ cao kêu trời khi họ đang đứng trước nhiều rào cản về pháp lý trong hoạt động kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM đề nghị thành phố tháo gỡ nhiều vấn đề đang gây khó cho doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Thử nghiệm phần mềm cũng phạm tội?

Theo ông, Nghị định 58 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Cụ thể, tất cả thiết bị tin học - điện tử, kể cả xuất khẩu hay kinh doanh thương mại như: máy in, máy fax, máy photo, điện thoại, băng đĩa, ổ đĩa cứng… đều phải xin cấp phép theo quy định. “Thay vì như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký kinh doanh rồi tiến hành thủ tục nhập khẩu. Nay theo Nghị định 58, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự nộp hồ sơ đến Ban Cơ yếu Chính phủ, thông qua Cục Quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã”- ông nói.

Doanh nghiệp phát triển tốt là điều kiện để TPHCM bứt phá. Ảnh: Quốc Ngọc

Ông Tuấn cho rằng nếu có xin phép thì chỉ nên áp dụng trên một vài thứ liên quan, không cần phải xin hết. Ví dụ như ổ cứng, theo ông là không cần thiết. Điều này đang khiến doanh nghiệp bức xúc. Theo nghị định mới này, ông Tuấn cho rằng các đoàn kiểm tra liên ngành có thể phạt doanh nghiệp không có giấy phép cho các thiết bị, với mức phạt lên đến 50 triệu đồng, hoặc tịch thu máy móc.

Ngoài ra, Điều 292 Bộ luật hình sự quy định về hành vi kinh doanh trái phép trên mạng quá khắt khe. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn, đang bị xem là “kinh doanh trái phép” trong quá trình thử nghiệm phần mềm.

“Thực ra cũng giống như cây trồng thôi, phần mềm cũng phải thử nghiệm. Có khi thử nghiệm cả chục lần mới thành công. Nhưng nếu thành công thì bị xử phạt. Điều này đang triệt tiêu người sáng tạo khởi nghiệp, ràng buộc như hiện nay là không ổn”, ông Tuấn nói.

Theo ông, hiện tượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đang “tháo chạy” sang Singapore là một báo động, khi các quy định trong nước cứ “gây khó” doanh nghiệp. Hoa Kỳ cũng đang ra sức thu hút đầu tư và chất xám bằng cách cấp visa khởi nghiệp cho những doanh nghiệp trẻ, sáng tạo. Ông Tuấn kiến nghị hủy Điều 292.

“Theo tôi, cái gì trên mạng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì mới cấm, còn kinh tế thì không thể và không nên hình sự hóa”, ông bày tỏ. Ông còn viện dẫn Điều 200 của Bộ luật Hình sự về trốn thuế. Theo điều này, chỉ cần báo cáo thuế trễ hạn thì đã bị coi là phạm tội.

Theo một số ý kiến khác, trên thực tế, các doanh nghiệp công nghệ thông tin 100% vốn trong nước hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung (TPHCM) không được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN. Nhằm đảm bảo quyền lợi, tính công bằng trong chính sách nhà nước và góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp trong nước, Công viên phần mềm Quang Trung đề xuất ban hành chính sách ưu đãi này.

Đừng để rào cản

Ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - nói, sẽ xem xét kiến nghị điều chỉnh về Nghị định 58. Theo ông, mật mã nào tác động đến xã hội thì mới kiểm soát. Về các điều trong Bộ luật Hình sự gây khó cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, ông Khả cho biết vấn đề này vượt quá thẩm quyền của bộ. Cần phải lấy ý kiến và đánh giá sâu sắc hơn về vấn đề này, nếu không muốn đi ngược lại chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp của Chính phủ.

Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM Trần Thị Lệ Nga cho biết, khai thuế chậm được chia ra từng trường hợp, tuy theo mức độ mà xử lý, chứ không phải cứ chậm là bị ghép vào hành vi trốn thuế như đại diện Hội Tin học thành phố nói. Theo quy định, khai thuế trễ trên 90 ngày mới được xem là hành vi khai man trốn thuế. Tuy nhiên, nếu trễ 90 ngày nhưng vẫn nộp đủ thuế thì cũng không bị xử phạt trốn thuế mà chỉ phạt hành chính từ 2-5 triệu đồng.

Cũng chia sẻ với doanh nghiệp, ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho rằng, quản lý nhà nước chỉ cần ở mức độ pháp kiểm, chứ không phải cứ “theo dõi chằm chằm”. “Tôi nghĩ để quản lý, chỉ cần đăng ký để biết, chứ không cần phải xin cấp phép. Ví dụ nếu ổ cứng liên quan đến bảo mật thì khi nhập về, khi qua hải quan cần phải báo. Quy định bằng các mật mã cần đăng ký, thông qua tờ khai hải quan. Tôi mong Hội Tin học có văn bản góp ý kỹ hơn để UBND thành phố làm việc trực tiếp với Chính phủ để sửa”, ông Hỷ nói.