Lo biến động tỷ giá: Doanh nghiệp nhập khẩu thấp thỏm

TP - “Cú đúp” điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ VND/USD vừa qua sẽ tác động tới xuất nhập khẩu. Đã có dự đoán tỷ giá tăng tiếp…
Điều chỉnh tỷ giá, nông sản xuất khẩu được lợi. Ảnh: Phạm Anh.

DN tính giảm nhập khẩu

Nói về “cú đúp” tăng tỷ giá ngày 19/8, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Vinacam cho rằng, lúc đầu sẽ có một chút xáo trộn cho doanh nghiệp (DN) nhập khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ ổn định trở lại theo quy luật “nước nổi, bèo nổi”. “Năm nay, Vinacam dự kiến nhập khẩu khoảng 300-350 nghìn tấn phân bón các loại. Trong đó, khoảng một nửa nhập từ Trung Quốc (chủ yếu phân DAP, SA…). Hiện với giá kali nhập theo tỷ giá cũ, Vinacam bán 7.300 đồng/kg, nhưng một thời gian nữa, khi các mặt hàng khác thiết lập mặt bằng giá mới, chúng tôi sẽ bán lên được 7.450-7.500 đồng/kg”- ông Hải nói.

“Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị cho cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó theo hướng linh hoạt hơn. Điều cần làm thời gian tới, là tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra. Ví như diễn biến đồng Nhân dân tệ… và chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời”.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Cũng là DN nhập khẩu phân bón như ông Hải, bà Nguyễn Thị Tiêu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP XNK Hà Anh cho rằng, việc biến động tỷ giá sẽ được đẩy vào giá phân bón theo thị trường. Theo bà Tiêu, năm ngoái, DN của bà nhập khoảng hơn 200 nghìn tấn. “Nửa đầu năm nay, chúng tôi nhập khoảng 100 nghìn tấn. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi không nhập ồ ạt, mà cần tới đâu nhập đến đó. Chúng tôi đang nhập phân SA từ Trung Quốc”-bà Tiêu nói.

Ông Đoàn Trong Lý, Tổng Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá vừa rồi khiến DN nhập khẩu mệt mỏi, còn xuất khẩu cũng chưa ăn thua. “Những lô hàng bán được chưa trả ngân hàng, với việc tăng tỷ giá mới, DN phải nai lưng chịu trận. Năm nay, chúng tôi sẽ giảm nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay chỉ được mươi triệu USD”- ông Lý nói.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách  và Phát triển chiến lược phát triển NTNT (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu nông nghiệp đương nhiên là có lợi. “Chúng tôi đã có một nghiên cứu trong giai đoạn cuối năm 2014, đầu năm 2015 về việc thay đổi tỷ giá của các nước đối thủ cạnh tranh Việt Nam. Theo đó, nhiều nước phá giá đồng nội tệ mạnh”- ông Tuấn nói. Ngoài ra, ông Tuấn đề xuất, để hỗ trợ các doanh nghiệp các gói hỗ trợ. Chẳng hạn, DN cuối năm ngoái, đầu năm nay gặp khó khăn về vốn (thủy sản, lúa gạo..) có thể khoanh nợ, giúp họ hồi phục. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ về vận chuyển, xúc tiến thương mại, tháo gỡ về vốn và đất đai…

Tỷ giá còn tăng?

Ngày 20/8, trong báo cáo mới nhất, ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, tiền đồng phải đối mặt với nhiều áp lực nhất châu Á. Từ nay đến cuối năm 2015, HSBC dự đoán NHNN có thể phải giảm giá tiền đồng thêm 2% nữa khi đồng Nhân dân tệ yếu hơn sẽ tạo ra một môi trường ngày càng cạnh tranh cho ngành xuất khẩu của Trung Quốc. Mức dự báo cuối năm cho tỷ giá VND/USD trong năm 2015 tăng từ 21.830 lên 22.800 đồng và cho cuối năm 2016 từ mức USD 22.300 lên 23.300 đồng.

TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, nới biên độ 3% hiện đã đủ lớn và tính đủ các tác động bên ngoài và nội tại. “Đó là chưa kể NHNN vẫn còn công cụ  điều hành tỷ giá khác như bán dự trữ ngoại tệ, hay lãi suất”- ông Ngân nói.

Về  lựa chọn dịch vụ hoặc có cách nào để giảm bớt những rủi ro từ điều chỉnh tỷ giá, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, nói: “Vietcombank cũng như các ngân hàng khác đã chào khách hàng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, sản phẩm cơ cấu để đảm bảo phòng ngừa và bảo vệ cho khách hàng trước các rủi ro biến động tỷ giá”.