Năm 1968, báo Mỹ viết về Lê Đức Tuấn - tác giả <EM>Đừng đốt</EM> bằng tranh:

Linh hồn Việt cộng trí thức và tinh tế

TP - Năm 1968, khi người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, họa sĩ Lê Đức Tuấn, bị thất lạc cuốn nhật ký bằng tranh của mình trong một trận đánh ở Tây Nguyên.

>> Gặp lại đứa con tinh thần

Nhìn từ khía cạnh số phận của tác phẩm, tập nhật ký với 102 bức ký họa của Lê Đức Tuấn đã được thiếu tá quân đội Mỹ Robert B. Simpson nhặt được và giữ gìn một cách trân trọng. Tiền Phong có trong tay bài viết trên một tờ báo Mỹ năm 1968 nói về người lính Bắc Việt, họa sĩ Lê Đức Tuấn và tập nhật ký bằng tranh của ông.

Một trong ba bức tranh màu nước của Lê Đức Tuấn được đăng trên báo Mỹ Columbus Enquirer, ngày 20-5-1968

“Lê Tuấn đã bị thiệt mạng”

Sau khi nhặt được tập nhật ký bằng tranh của người lính Bắc Việt Lê Đức Tuấn, thiếu tá Robert Simpson đã trích ra ba bức tranh mà ông cho là đẹp rồi gửi về khoe với vợ mình như một sự chia sẻ những câu chuyện lượm lặt nơi chiến trường. Vợ của thiếu tá Robert Simpson khi đó là một nhân viên Cục thông tin công cộng Fort Benning, thành phố Columbus, bang Georgia, Hoa Kỳ. 

Phóng viên quân sự Mỹ Charles Black biết chuyện đã viết một bài lớn với tựa đề “Chuyện từ những bức ký họa của người lính Bắc Việt tử trận” đăng trên số ra thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 1968 của nhật báo The Columbus Enquirer ở bang Georgia.

Người Mỹ cho rằng tác giả của tập ký họa này đã chết  nên bài báo của Charles Black được đăng kèm ba bức họa chưa phải là đẹp nhất nhưng dễ hiểu của Lê Đức Tuấn với lời dẫn của tòa soạn: “Những khía cạnh khác thường về cuộc chiến tranh được lột tả theo những cách khác nhau, kể cả cái chết của một người lính Bắc Việt cũng được phóng viên quân sự Charles Black báo Columbus Enquirer mô tả trong bài viết này sau khi tập ký họa của người lính Bắc Việt đó được một sĩ quan Mỹ quê ở thành phố Columbus tìm thấy”.

Trong bài báo nói trên, sau khi kể về những người lính Bắc Việt ra chiến trường với những trải nghiệm gian khổ và đầy cảm xúc, phóng viên quân sự Mỹ Charles Black viết:  “Lê Tuấn, một sinh viên nghệ thuật từ Hà Nội đã sử dụng tranh màu nước để nói về những cảm xúc và sự trải nghiệm của mình là điều tất nhiên.

Lê Tuấn bị chết tháng trước tại phần yên ngựa của một quả đồi không tên, cách buôn Polei Kreng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hoang dã khoảng 16 km về phía tây, gần Campuchia.

Những bức ký họa và tranh màu nước cùng những đồ vật khác tìm thấy trong ba lô của người lính Bắc Việt này cho thấy trước khi gia nhập quân đội anh ta làm nghề gì và anh đã cảm nhận cuộc sống như thế nào... Các bức họa dùng chất liệu màu nước, chì than đen, và một số bức được vẽ với chất liệu chì sáp”.

Tác giả Charles Black cho biết, thiếu tá Mỹ Robert B. Simpson là một sĩ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8 Bộ binh, Sư đoàn 4 Bộ binh  của quân đội Mỹ ở vùng Pleiku-Kon Tum.

Nhà báo Charles Black dẫn lời thiếu tá Robert Simpson kể rằng, tiểu đoàn bộ binh của ông ta đã có một trận đánh ác liệt kéo dài bốn ngày sau khi một lữ đoàn bộ binh của quân đội Bắc Việt Nam mới thâm nhập vào Tây Nguyên định đột kích vào một trận địa pháo của quân Mỹ gần Polei Kreng.

Đại đội D. của thiếu tá Robert Simpson đã giao chiến trực diện với đơn vị quân đội Bắc Việt trong bốn ngày liền ở khu vực yên ngựa của một quả đồi phía tây căn cứ tiền phương. Charles Black viết: “Tại một trong những trận giao tranh đó, Lê Tuấn đã bị thiệt mạng”.

Kẻ thù cũng phải khâm phục

Báo Columbus Enquirer dẫn lời thiếu tá Robert Simpson hình dung ra con người Lê Đức Tuấn sau khi xem kỹ những bức ký họa của người lính Bắc Việt này nói: Lê Tuấn “một người lính còn trẻ tuổi và rõ ràng là người có học cao và một tâm hồn nhạy bén. Ngoài tập ký họa, trong ba lô của người lính Bắc Việt này còn có một tập thơ (Pushkin - nhà thơ cổ điển Nga - TP).

Lê Tuấn đã hành quân qua một ngàn dặm đường. Những bức tranh, những bức ký họa và cuốn sách thơ đối với anh là những thứ rất quan trọng không thể thiếu. Khi hành quân trong rừng già nhiều tháng, người ta không mang trên mình những thứ gì không thật cần thiết”.

Thiếu tá Simpson cho rằng ba bức ký họa mà thiếu tá đã gửi cho vợ mình chưa phải là những bức họa đẹp nhất nhưng có lẽ đó là những bức họa bổ ích nhất giúp người xem hiểu được cuộc hành quân bằng đường bộ từ Bắc vào Nam đã gây ấn tượng cho Lê Tuấn như thế nào: “Những thanh niên Bắc Việt sau khi gia nhập quân đội được huấn luyện vội vàng nhưng kỹ lưỡng đối với vài kỹ năng cơ bản của một người lính. Sau đó họ được về thăm gia đình trước khi ra mặt trận.

Tại quê nhà, những người lính Bắc Việt tự hào về việc mình được lựa chọn đưa vào miền Nam để giải phóng nhân dân miền Nam khỏi đế quốc Mỹ.

Sau khi thăm gia đình trở lại đơn vị, mỗi người trong số họ được phát cho 10 kg gạo, muối, đường, muối vừng, và lương khô làm từ lạc, bột cá khô, đậu tương, một tấm nilon, một chiếc võng, hai đôi dép cao su làm từ lốp ôtô sau đó lên xe tải hoặc xe buýt chở quân đến một địa điểm gần biên giới với Lào.

Tại đây, những người lính Bắc Việt xuống xe và sau một cuộc chia tay chính thức với tư lệnh quân khu, họ bắt đầu đi bộ hành quân. Các giao liên sẽ hướng dẫn đoàn quân đi theo một mạng lưới đường đầy thử thách.

Họ đi bộ hành quân từ 7 giờ rưỡi sáng đến khoảng 2 giờ rưỡi chiều, cứ mỗi giờ hành quân lại được nghỉ một lúc sau đó dừng chân tại một binh trạm đã được chuẩn bị sẵn cho họ trên đường mòn.

Các cán bộ binh trạm ở mỗi trạm dừng chân đã nấu sẵn cơm và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho những người lính mang đi. Có khi những người lính được lên các xe tải chở quân vốn giấu kín tại một số kho xe trong rừng.

Liên lạc với chỉ huy sở bằng điện đài vào lúc 3 giờ chiều. Đơn vị hành quân đến đâu thì được bộ đội địa phương tại đó chăm sóc. Thông thường quá trình hành quân như vậy kéo dài khoảng 60 ngày. Dọc đường hành quân gian khổ nhiều người do mắc bệnh sốt rét, bệnh tật mà bị bỏ lại...

Những người lính Bắc Việt tự biết mình đã đặt chân tới miền Nam vào lúc nào nhờ một mặt do kỷ luật hành quân trên chặng đường này trở nên nghiêm ngặt hơn, mặt khác cuộc đi bộ hành quân chỉ được thực hiện vào ban đêm.

Sau đó những người lính này đến căn cứ trú quân trên đất Campuchia nằm ở phía sau dãy núi Chư Pông - nơi quân Mỹ đã từng phải giao chiến với đối phương không đếm được bao nhiêu lần...

Tại căn cứ trên đất Campuchia, những người lính Bắc Việt nghỉ ngơi, được các cán bộ chính trị động viên, được kiểm tra sức khỏe trước khi di chuyển tới vùng mặt trận đã được vạch kế hoạch từ  lâu để tập luyện. Tất cả những người lính này ai cũng phấn khởi, khao khát được tham gia trận đánh đầu tiên sau một thời gian nghỉ và tập huấn tại căn cứ”.

Chú thích tranh nhầm lẫn

Tờ báo Columbus Enquirer nói trên đăng ba bức tranh màu nước của họa sĩ, người lính Lê Đức Tuấn. Trong đó một bức vẽ xóm cư dân ở tỉnh Bắc Thái (Bắc Giang và Thái Nguyên ngày nay); bức “Sinh hoạt đại đội dã ngoại” vẽ cảnh nhìn từ phía sau lưng một đơn vị bộ đội đang ngồi nghe cán bộ chính trị nói chuyện trong khi súng vẫn gác trên vai và lưng còn đeo lựu đạn, bi đông nước uống;

Bức tranh còn lại mô tả cảnh bộ đội nghỉ ngơi trong rừng với những khẩu súng dài gác lên một thanh tre bắc ngang, những tăng, võng mắc lên các gốc cây và một nhóm bộ đội đang chơi bài tú lơ khơ. Phần chú thích cho các bức họa này của Lê Đức Tuấn, báo Columbus Enquirer đã có sự hiểu lầm rất lớn.

Chẳng hạn, với bức vẽ xóm dân cư ở tỉnh Bắc Thái đã bị chú thích là “Nghệ sĩ Lê Tuấn, một người lính Bắc Việt bị thiệt mạng tháng trước ở miền Nam Việt Nam đã ghi rằng đây là một làng miền núi trên Đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Lê Tuấn đã vẽ bức tranh này vào tháng 3-1967, một năm trước khi anh tử trận...”.

Với  bức “Sinh hoạt đại đội dã ngoại”, báo Columbus Enquirer chú thích: “Họp thông báo tin tức về trận đánh - Sau khi được nghỉ ngơi và động viên ở Campuchia, những người lính Bắc Việt di chuyển đến vùng mặt trận đã được lên kế hoạch từ lâu... Đây là bức họa cuối cùng của Lê Tuấn. Chẳng bao lâu sau đó Lê Tuấn tử trận”.

Riêng với bức họa những người lính đang chơi bài tú lơ khơ của Lê Đức Tuấn, tờ Columbus Enquirer không đăng kèm một dòng chú thích nào. 

------------------

Còn nữa

Từ những bức ký họa và màu nước trong tập nhật ký bằng tranh của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, họa sĩ Lê Đức Tuấn, một nữ họa sĩ trẻ tuổi Mỹ chưa từng đến Việt Nam, chưa từng ra mặt trận đã hiểu phần nào tính cách và con người họa sĩ người lính Bắc Việt Lê Đức Tuấn để vẽ một bức chân dung hoàn toàn dựa trên sự tưởng tượng của chị.

Đón đọc kỳ 6: Nữ họa sĩ Mỹ vẽ chân dung Lê Đức Tuấn