Linh hoạt

TP - Cuối tháng 5/1946, trước khi sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng, người được trao giữ trọng trách quyền Chủ tịch nước: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Kiên định với mục tiêu nhưng linh hoạt trong giải pháp để đạt được mục tiêu đã đề ra là phương châm cách mạng xuyên suốt và nhờ đó Đảng, Nhà nước đã từng bước đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn để đến bến bờ vinh quang. Suốt 75 năm qua, phương châm-bài học lớn đó vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.

Tinh thần “ứng vạn biến” một lần nữa trỗi dậy và cụm từ “linh hoạt” được sử dụng, nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, từ nghị trường Quốc hội đến mọi tầng lớp nhân dân; từ chủ trương, chính sách đến đời sống, từ cấp hoạch định, điều hành vĩ mô đến cấp cơ sở thừa hành… Và tất cả đều đang đứng trước yêu cầu linh hoạt để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Linh hoạt được xem như một chìa khóa để thích ứng và vượt qua những thách thức từ cuộc sống, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” ra đời hồi tháng 10 vừa qua là một minh chứng.

Nhờ linh hoạt thay đổi chiến lược phòng chống dịch nên đã kịp thời chấm dứt sự khủng hoảng chưa từng có của đất nước trong thời bình, đưa cuộc sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi kinh tế… để từ đó ngăn chặn hàng loạt đứt gẫy, đổ vỡ có thể xảy ra theo hiệu ứng domino.

Do đó, linh hoạt trong lúc này là hành động thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy nhận thức, bắt nguồn từ những đòi hỏi, thôi thúc của cuộc sống và đôi khi linh hoạt chỉ có được từ sự thấm thía về những mất mát đau thương bởi những sai lầm, cứng nhắc trong quá khứ.

Linh hoạt là nhu cầu tự thân và cũng là lựa chọn không thể khác nếu không muốn tụt hậu, yếu kém, thậm chí phải trả giá đắt. Càng nhiều khó khăn, thách thức càng đòi hỏi phải linh hoạt. Chính phủ linh hoạt để điều hành đất nước trở nên hiệu quả, người dân linh hoạt để làm cho cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, đâu đó, nhất là trong bộ máy công quyền, từ “linh hoạt” vẫn chỉ là câu cửa miệng, nói theo phong trào mà chưa đi vào thực chất. Chưa kể, không ít cá nhân hay tổ chức vẫn vô cảm, lợi dụng chủ trương linh hoạt để làm bừa hoặc tự dựng lên những quy định, rào cản gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp với mục đích cuối cùng là trục lợi.

Sẽ không có bộ máy hay chính sách linh hoạt, hiệu quả nếu không có những cá nhân linh hoạt. Song, sự linh hoạt sẽ dễ dàng trở nên bừa bãi nếu thiếu kỷ cương và sự liêm chính. Vì vậy, để sự linh hoạt thật sự là một chìa khóa hay đòn bẩy cho sự phát triển, trước hết và trên hết phải bắt đầu từ chính sách xây dựng, lựa chọn con người đủ tầm, đủ đức, đủ bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo trong bối cảnh đầy biến động và thách thức. Tất nhiên, điều không thể thiếu là phải có những cơ chế, chính sách đi kèm để những con người như thế dám làm, dám chịu.

Linh hoạt là tư duy, là hành động; tuyệt nhiên không phải lời nói suông.