Linh hoạt đổi mới phương pháp dạy học lớp 1

TP - Sau nửa năm thực hiện chương trình, SGK mới, nhiều giáo viên, hiệu trưởng cho biết, phương pháp dạy học truyền thống “thầy nói trò nghe” đã được thay bằng phương pháp dạy học tích cực. 
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tràng An trong giờ học

Những giờ học hào hứng

Giờ học Âm nhạc lớp 1, Trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội) khá sôi nổi khi cô giáo đệm đàn, học sinh hát. Đạo cụ của giờ học gồm có trống, hoa giấy, bộ gõ… Từng nhóm học sinh giơ tay lên biểu diễn trên nền nhạc của giáo viên. Để tạo sự vui nhộn, hào hứng cho học sinh, giáo viên cho phép các em ngẫu hứng múa minh họa.

Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An, nói rằng, giáo viên phải tích cực đổi mới kỹ thuật dạy học; Mỗi tuần, tổ giáo viên lớp 1 đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Trường phân mỗi giáo viên phụ trách chuyên môn sâu 1 môn học cụ thể để chia sẻ phương pháp dạy học hay về môn đó. Theo bà Liên, SGK lớp 1 phải sau một năm mới rút ra được kinh nghiệm. “Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đồ dùng, thiết bị dạy học cho cả cô và trò đều chưa có. Ngoài tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên phải tự chế tạo đồ dùng nên vất vả hơn”, bà nói.

Cô Nguyễn Thị Khánh Ly, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), cho rằng, liên tục đổi mới phương pháp dạy học để học sinh luôn hứng thú. Ví dụ, trong các giờ học Tiếng Việt, học sinh lên bảng tập đóng vai, hóa thân vào các nhân vật trong truyện. Sau đó, mới dẫn dắt học sinh đi đến việc tìm tiếng, vần, từ mới trong bài học. Cuối giờ, biết học sinh rất thích tô màu, cô giáo cho các em vẽ tranh tư duy và tô màu sắc tùy hứng. Qua đó, học sinh học âm - vần rất vui vẻ.

Ông Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (Hà Tĩnh), cho biết, sau gần nửa năm dạy SGK mới, giáo viên cần phải nỗ lực hơn nhưng cũng đã “vào guồng”, chuẩn kiến thức, kỹ năng học sinh đều đạt được. “Nếu trước đây, cô đọc trò viết, cô nói trò nghe thì dạy học theo phương pháp mới, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở để khuyến khích học sinh chủ động tự học, tự làm từ đó lĩnh hội kiến thức”, ông Hợi nói.

Giáo viên được quyền linh hoạt

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, phương pháp dạy học tích cực được Bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục áp dụng nhiều năm nay, và được áp dụng triệt để trong chương trình, SGK mới.

Nguyên tắc của đổi mới phương pháp dạy học là thầy cô phải giao nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh và được quyền áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy. “Giáo viên đóng vai trò quan sát, hỗ trợ những vướng mắc, khó khăn của học sinh để giúp các em hoàn thành nhiệm vụ. Dần dần, học sinh sẽ được hình thành thói quen và lĩnh hội kiến thức cũng như có thể áp dụng kiến thức vào thực tế”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng, phương pháp dạy học này sẽ có hiệu quả hơn khi vận dụng hình thức khen thưởng, động viên học sinh. Theo ông trong đổi mới phương pháp dạy học, phụ huynh đóng vai trò quan trọng, giúp hướng dẫn các con có thể áp dụng kiến thức học vào thực tiễn, không nên làm thay con.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân, giáo viên trẻ nhanh nhạy nên đổi mới rất nhanh, giáo viên nhiều tuổi buộc phải nỗ lực hơn. Với phương pháp tổ chức dạy học linh hoạt, đổi mới trong từng tiết, từng bài, từng môn cụ thể, cường độ làm việc của giáo viên lớn hơn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, giáo viên lên kho dữ liệu dạy học tải các hình ảnh về trình chiếu, nên không phải viết bảng nhiều. Nhờ đó, giáo viên có thêm thời gian kiểm tra, hướng dẫn học sinh…