Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, sẽ đẩy tự do thương mại, phối hợp hệ thống tài chính các nước thành viên, điều tiết chính sách về công nghiệp và nông nghiệp cùng mạng lưới giao thông và thị trường lao động. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, liên minh mới sẽ có sản lượng kinh tế gộp là 4.500 tỷ USD và gắn kết 170 triệu người dân với nhau.
“Hội nhập Á-Âu dựa trên lợi ích chung và tính đến các lợi ích chung”, ông Putin nói sau cuộc họp hôm 23/12. Tuy nhiên, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngay sau đó chỉ trích Mátxcơva có các bước đi nhằm hạn chế xuất khẩu của Belarus sang Nga, AP đưa tin. Nằm kẹp giữa Nga và hai thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Ba Lan và Lithuania, Belarus hưởng lợi nhiều khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU nhờ việc nhập thực phẩm từ EU rồi bán lại sang Nga.
Chính quyền Nga đáp trả bằng cách dừng nhập khẩu sữa và thịt của chính Belarus với lý do an toàn vệ sinh thực phẩm và cấm thực phẩm của Belarus quá cảnh sang Kazakhstan vì lo ngại lượng hàng hóa này có thể được tiêu thụ trên thị trường Nga.
“Chúng tôi bị cấm quá cảnh hàng hóa, điều này vi phạm mọi quy tắc quốc tế. Việc này được thực hiện một chiều và không có tham vấn”, ông Lukashenko nói.
Trước đây, Nga tìm cách khuyến khích Ukraine tham gia liên minh, nhưng việc vị tổng thống ủng hộ Nga bị hạ bệ hồi tháng 2 và hàng loạt biến động ở Ukraine khiến kế hoạch của Nga không thành.
Hai phe Ukraine đối thoại giải quyết khủng hoảng
Trong khi đó, đại diện phe ly khai và chính phủ Ukraine chuẩn bị cho một cuộc đàm phán căng thẳng, nhằm chấm dứt các hoạt động quân sự đã khiến quốc gia từng thuộc Liên Xô này bị tàn phá và khiến quan hệ Đông - Tây căng thẳng. Vòng đàm phán sơ bộ thành công tại thủ đô Minsk của Belarus có thể mở đường cho vòng thứ hai vào thứ Sáu tới để ký thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, tầm nhìn tương phản mạnh mẽ về vị trí của Nga trong châu Âu và hệ thống chính quyền Kiev không thống nhất có thể sẽ ngăn sự xuất hiện của giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 8 tháng qua.
Các thủ lĩnh ly khai ở hai tỉnh Lugansk và Donetsk đã tuyên bố thành lập nước cộng hòa riêng và kiên quyết đòi Ukraine trở thành liên bang lỏng lẻo để họ có thể tự quyết định các vấn đề của mình. Ukraine vẫn duy trì hệ thống quyền lực tập trung chặt chẽ từ khi độc lập, nhưng nay cân nhắc nới lỏng kiểm soát đối với các khu vực của đất nước, nhằm tránh khiến người dân bất bình trước sự thịnh vượng mà Kiev được hưởng.
Cuộc gặp giữa hai bên dự kiến diễn ra tại Minsk với sự tham dự của các nhà trung gian Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Vấn đề cấp bách nhất đối với phe nổi dậy là phải bảo đảm Kiev khôi phục các khoản chi trả xã hội bị ngừng từ tháng 11 vì lo ngại các khoản này bị sử dụng để tài trợ cho hoạt động nổi dậy. Ông Mikhail Zurabov, Đại sứ Nga tại Kiev và cũng là đại diện của Nga tại cuộc họp, nói rằng, vấn đề kinh tế sẽ là một trong bốn nội dung chính được thảo luận.
Nhưng theo đại diện OSCE Heidi Tagliavini, các bên sẽ tập trung thảo luận vấn đề chuyển hàng viện trợ nhân đạo, tránh nói đến thanh toán các khoản xã hội. Ông Tagliavini cũng khẳng định, vấn đề rút quân và trao đổi tù nhân sẽ được bàn tới. Trước khi đến Minsk, phe đối lập tỏ ra bi quan về kết quả của cuộc đàm phán. “Cho đến nay, tôi không thấy cơ sở gì để tin chúng tôi có thể đạt được bất kỳ đồng thuận nào”, Reuters dẫn lời lãnh đạo đối lập ở Lugansk, ông Igor Plotnitsky.
Căng thẳng giữa hai bên lại tăng thêm trước quyết định của Quốc hội Ukraine hôm 23/12 nhằm đưa Ukraine ra khỏi thế trung lập mà nước này theo đuổi từ năm 2010. Quyết định này phù hợp với tuyên bố của ông Poroshenko rằng sẽ đưa Ukraine vào sự bảo vệ quân sự của phương Tây để tránh đe dọa từ Nga, bằng cách gia nhập NATO. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, việc Ukraine xin gia nhập NATO “có thể biến Ukraine trở thành đối thủ quân sự tiềm năng của Nga”.