Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine

TPO - Ngày 24/2, xung đột ở Ukraine bước vào năm thứ hai mà chưa thấy hồi kết. Cùng lúc đó, Nga bị cô lập trong một cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc và các nhà lãnh đạo G7 đang phối hợp để tăng cường viện trợ Ukraine.

Trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ác liệt ở phía Đông và Nam Ukraine, các đồng minh trên khắp thế giới đã thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev khi cuộc xung đột ở nước này cán mốc một năm vào ngày 24/2.

Thủ đô Paris của Pháp đã thắp sáng Tháp Eiffel bằng màu xanh và vàng của quốc kỳ Ukraine. Nhiều người khoác cờ Ukraine đã tụ tập tại một buổi cầu nguyện ở London. Tại Brussels, các tòa nhà của Liên minh châu Âu cũng được thắp sáng bằng màu sắc tương tự.

Đám đông tụ tập ở New York (Mỹ) để bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine, tối 23/2. Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Ngày 23/2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân và ngừng giao tranh. Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận và 32 phiếu trắng. Sáu quốc gia cùng Nga bỏ phiếu chống là Belarus, Triều Tiên, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria. Đồng minh của Nga là Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy gọi hành động của Liên Hợp Quốc là vô ích, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi cuộc bỏ phiếu là “một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ không mệt mỏi của thế giới dành cho Kiev”.

Trên chiến trường, quân đội Ukraine cho biết hoạt động của lực lượng Nga đã gia tăng ở phía Đông và phía Nam, với ít nhất 25 thị trấn và làng mạc ở ba khu vực phía Bắc dọc theo biên giới Nga bị pháo kích.

Cuộc xung đột mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã biến thành một cuộc chiến tiêu hao với tổn thất nặng nề ở cả hai bên.

Một số quan chức Mỹ và phương Tây ước tính thương vong của Nga là gần 200.000 người. Trong khi vào tháng 11, vị tướng hàng đầu của Mỹ cho biết hơn 100.000 quân mỗi bên đã thiệt mạng hoặc bị thương.

Hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ đất nước, và hàng chục ngàn thường dân đã thiệt mạng.

Với việc Tổng thống Zelensky khăng khăng đòi đảm bảo toàn vẹn chủ quyền và buộc Nga rút quân, triển vọng hòa bình có vẻ ảm đạm.

"Chúng tôi không biết khi nào xung đột sẽ kết thúc. Nhưng điều chúng tôi biết là khi xung đột kết thúc, chúng tôi cần đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với Reuters hôm thứ Năm.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/2 sẽ nhóm họp trực tuyến với các lãnh đạo G7 và Tổng thống Zelensky để công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Ngoài ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington sẽ cung cấp thêm 2 tỷ đô la hỗ trợ an ninh.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột, mất mát to lớn về người và của, cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường bảo vệ an ninh, an toàn của người dân, bảo đảm những nhu cầu cấp bách của người dân chịu ảnh hưởng bởi chiến sự, bảo vệ và duy trì các cơ sở dân sự, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.

Việt Nam kêu gọi LHQ, các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục gia tăng nỗ lực để viện trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột, đồng thời ủng hộ vai trò, nỗ lực của LHQ và Tổng thư ký LHQ trong tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Việt Nam khẳng định sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào nỗ lực ngoại giao, tái thiết, hồi phục, cứu trợ ở Ukraine.
Theo Reuters