Đâu tiếng người xưa vọng về
Trong khúc 'Mộng uyên ương Hồ Điệp có câu rất hay rằng: Xưa nay thế gian chỉ thấy người nay cười, có ai thấy người xưa khóc đâu....' Khi tới tuổi ngũ thập tri thiên mệnh tôi mới có dịp đến Côn Sơn – Kiếp Bạc đốt dâng cụ Ức Trai - Nguyễn Trãi nén hương.
Cũng ở tuổi 50 (vào năm 1429), sau khi Phạm Văn Xảo bị chém đầu, Trần Nguyên Hãn tự vẫn, Quan hành khiển Nguyễn Trãi bị hạ ngục một thời gian, vừa được tha, cụ khăn gói về Côn Sơn sống ẩn dật:
Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai (Côn Sơn ca)
Trong chính sử nhà Lê không nói gì đến việc Lê Thái Tổ bắt Nguyễn Trãi hạ ngục rồi tha. Nhưng trong Tang thương ngẫu lục, Dương Bá Cung đã viết: “Nguyễn Trãi từng có việc bị hạ ngục rồi lại được tha”. Hẳn là ngày về Côn Sơn, tâm trạng của cụ Nguyễn Trãi chán nản lắm chốn quan trường, mặc dù lâu lâu cụ cũng phải về Kinh đô để chầu Vua.
Đọc lại bài thơ số 125 trong Quốc Âm thi tập dường như cụ muốn nói lý do vì sao bị bắt tống giam qua câu: Tội ai cho nấy cam danh phận/ Chớ có thân sơ mới trượng phu.
Chuyện người xưa mà như mới hôm qua. Men theo lối đi lên núi, ngược dòng suối Côn Sơn, len lỏi qua những rừng thông đã già. Con suối huyền thoại từng chở bao ngậm ngùi, cảm khái nhân tình, thi hứng của một tâm hồn lớn hơn 600 năm trước về nơi bất tử. Những bậc thang thấp, xây bằng đá granit rất công phu tinh xảo, khiến bước chân người lên núi như nhanh hơn, ngắn hơn và bớt mệt nhọc.
Vừa lưng chừng dốc hiện ra một bảng chỉ dẫn: rẽ trái là đền thờ Trần Nguyên Hãn, Trần Nguyên Đán và Thanh Hư Động, hướng thẳng lên khoảng 600 bậc tam cấp (600 m) là nền nhà Nguyễn Trãi, Thạch Bàn, Bàn cờ Tiên, Am Bạch Vân...
Con suối mùa khô không tiếng nước chảy róc rách, trơ những tảng đá không vết rong rêu. Chỉ có lũ ve sầu mùa hạ lắm chuyện nhao nhao kêu lên ầm ĩ từng chập! Chí ít, năm xưa tổ tiên chúng đã từng có công hát cho cụ Ức Trai Nguyễn Trãi nghe trong những ngày hè vắng vẻ, thanh nhàn khi ngồi ở Thạch Bàn làm thơ.
Cũng chính Nguyễn Trãi đề xuất chủ trương tạo hòa hiếu hai nước, tha 20 vạn quân xâm lược nhà Minh về nước, cấp lương thực, ngựa xe, thuyền bè chấm dứt ác mộng bành trướng và thù hận triền miên chiến tranh, tạo nền hòa bình dài lâu giữa Đại Việt với phương Bắc. Chỉ riêng tầm nhìn và đức độ ấy thôi đã đủ cho nhân loại nghiêng mình trước cụ.
Gặp hai bạn trẻ Lê Hội Thẩm và Phạm Thị Thuần, SV Trường Cao đẳng Y Hải Dương (quê Thanh Hà) đang dạo ngắm cảnh. Thật đáng trân trọng quyết tâm của hai bạn trẻ chinh phục các di tích, địa danh gắn với đại thi hào nước Việt. Nếu suối Côn Sơn có nước chảy róc rách như bản nhạc trời reo ca, lội ngược theo suối chẳng mấy chốc là lên đến Thạch Bàn. Lên tới Bàn cờ Tiên, Am Bạch Vân tha hồ ngắm nhìn trời đất bao la, quang cảnh chung quanh sẽ lòng trần thanh thản, nhẹ nhõm...
Quãng lưng chừng suối có hai tảng đá lớn, khá bằng phẳng, có tên là Thạch Bàn (Bàn đá). Thạch Bàn lớn thường gọi là hòn đá trăm gian - một di tích hay được nhắc đến trong thơ văn cổ. Tương truyền, cụ Nguyễn Trãi thường ngồi đây ngắm cảnh, làm thơ và trăn trở suy tư vận nước. Suối Côn Sơn xưa được mô tả có cầu Thấu Ngọc bắc qua, được các sử gia và thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mỹ tựa cảnh bồng lai.
Cụ thân sinh Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh trong Thanh Hư Động ký năm 1384 viết: “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày. Hoa dọc núi, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối reo xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn người ta, ở đây đều có đủ cả”.
Lên 5 tuổi, Nguyễn Trãi theo cha và ông ngoại về đây sinh sống một lần. Có lẽ từ thuở bé, tâm hồn Ức Trai đã được dưỡng nuôi bằng âm thanh đại ngàn lộng gió và chim muông, cỏ cây hoa lá để hun đúc và nuôi dưỡng một thiên tài.
Lẩn quẩn quanh Thạch Bàn, quay mặt bốn phương, tám hướng để mường tượng bóng dáng cụ ngồi làm thơ ở đây. Những vần thơ đẹp lung linh. Cụ đã ngồi sáng tác ở đây, gạt bỏ hết sự đời đen bạc để thi ca thăng hoa. Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Công trình với 2.500 ngày công lao động
Tháng 12-2000, đền thờ Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng tại chân núi Ngũ Nhạc, trên khuôn viên 10.000 m2 đất trong khu vực Thanh Hư Động, gần đền thờ mẫu thân cụ là bà Trần Thị Thái. Cụm quần thể bao gồm đền thờ chính, hai nhà Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại, nhà bia, am hóa vàng, cầu kiều dẫn vào đền, cầu bắc qua suối Côn Sơn để lên khu vực đền thờ Trần Nguyên Hãn, Thanh Hư Động, Thạch Bàn, bàn cờ Tiên...
Công trình đền thờ Nguyễn Trãi rất quy mô, tráng lệ. Kiến trúc theo lối truyền thống cổ điển dân tộc Việt còn lưu lại trên các chùa đền từ thời Lý Trần. Một nguồn kinh phí lớn đối với một tỉnh còn khó khăn như Hải Dương, nhưng công sức lao động và những nghệ nhân xứ Đông có tâm, đức, tài đóng góp được ghi lại bằng hơn 2.500 ngày công lao động miệt mài, cần mẫn.
Đền thờ Nguyễn Trãi được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1962 và xếp hạng đặc biệt năm 1994. Mùa thu năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày mất của cụ, tổ chức UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa, từ đó lễ hội Côn Sơn được tổ chức.
Con đường trải nhựa từ Thị trấn Sao Đỏ vào đến xã Cộng Hòa nơi có đền thờ Nguyễn Trãi được trải nhựa khá đẹp mắt, quanh co uốn lượn qua những vùng đồi, có những hàng thông già vài trăm tuổi vẫn suốt ngày ca hát với đất trời.
Không xô bồ, đông đúc như những khu du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh phía Nam, giữa trưa ngày cuối tuần mà bãi gửi xe chỉ vài chiếc gắn máy với hai xe 16 chỗ chở học sinh mẫu giáo tham quan. Do quảng bá còn ít, hay vì dịch vụ phục vụ du lịch ở đây chưa phát triển?
Du khách mỏi mắt mới tìm được cuốn Chí Linh với văn hóa xứ Đông và hai cuốn khác viết về Nguyễn Trãi mà ở đâu cũng có. Sự khiêm tốn về dịch vụ du lịch còn thể hiện ở sự chào mời khách ăn uống, mua hàng lưu niệm ở khu ngoài đến cổng chính cách đền thờ 400 m chưa thật chuyên nghiệp.
Côn Sơn là mảnh đất thấm đẫm biết bao buồn vui cuộc đời Nguyễn Trãi từ Bình Ngô đại cáo đến Côn Sơn ca, Quốc Âm thi tập.
Xứ Đông, tháng 6-2011